|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật căn cước 2023: thẻ căn cước công dân đã được cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ

(binhdinh.gov.vn) - Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Luật Căn cước có 07 chương và 46 Điều. Trong đó, quy định người dân không bắt buộc phải làm thủ tục cấp đổi sang thẻ Căn cước trong trường hợp thẻ Căn cước công dân đã được cấp vẫn còn giá trị sử dụng

Việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước là để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhân dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới hiện nay (Idencity Card - Thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân). Bên cạnh đó, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.

Việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân vì tại Điều 46 Luật Căn cước về điều khoản chuyển tiếp cũng đã quy định: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; thẻ Căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ Căn cước được quy định tại Luật này.

Chính thức đổi tên từ Căn cước công dân thành Căn cước (Nguồn: TT DLQG về DC)

Như vậy, việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước sẽ không tác động, ảnh hưởng đến các giấy tờ pháp lý có thể hiện thông tin số CMND, số căn cước công dân (công dân không phải thực hiện cấp đổi, cấp lại các giấy tờ này), đồng thời, thẻ căn cước công dân còn giá trị sử dụng có giá trị như thẻ căn cước cho đến khi hết giá trị (công dân không cần làm thủ tục cấp đổi lại thẻ căn cước). Do vậy, không ảnh hướng đến chi phí của người dân, xã hội và ngân sách nhà nước.

Việc thay đổi mẫu thẻ căn cước không tác động đến những người đã được cấp thẻ căn cước công dân; tại Điều 46, Luật Căn cước quy định những thẻ căn cước công dân đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ, cụ thể:

- Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

- Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

- Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

- Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước quy định tại Luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Thẻ Căn cước công dân đã được cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ (Nguồn: TT DLQG về DC)

Ngoài ra, Luật quy định việc sắp xếp, lược bỏ một số thông tin in trên thẻ căn cước công dân như vân tay, đặc điểm nhân dạng, thay thế thông tin về nơi thường trú, quê quán thành nơi cư trú, nơi đăng ký khai sinh… là để bảo đảm thuận lợi cho công dân khi sử dụng thẻ căn cước công dân, bảo đảm tính riêng tư cho công dân khi thông tin sinh trắc học về vân tay được lưu trữ bảo mật trong chíp điện tử.

- Công dân không có nơi thường trú, tạm trú thì vẫn được cấp thẻ căn cước công dân (như công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài…)

- Việc cấp đổi thẻ căn cước công dân khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của công dân (không bắt buộc); công dân có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước công dân điện tử (đây là tiện ích miễn phí trên ứng dụng VNeID) để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác mà không phải cấp đổi thẻ căn cước công dân.

- Việc cấp lại thẻ căn cước công dân được thực hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công đem lại thuận lợi tối đa cho công dân.


Tác giả: Đặng Văn Cẩn, Phòng CS QLHC về TTXH

Tin nổi bật Tin nổi bật