A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH tháng 2, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2023

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 10/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 2, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2023. Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 2, các hoạt động kinh tế -xã hội đã trở lại bình thường. Đối với hoạt động sản xuất, trọng tâm sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tháng 2 là sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả... đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.

Với sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 1,59% so với tháng trước và tăng 5,74% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,68% so với cùng kỳ. Đáng lo là nhiều ngành sản xuất công nghiệp giảm sâu, trong đó đáng chú ý nhất là ngành xuất khẩu giường, tủ, bàn, ghế đơn hàng cắt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, chỉ số sản xuất giảm tới hơn 19%. Sự suy giảm sản xuất của các doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong tháng 2, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 100 triệu USD, tăng 5,1% so cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm ước đạt 207,1 triệu USD, giảm hơn 19% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách qua 2 tháng đạt hơn 1.573 tỷ đồng, đạt 11,5% dự toán năm và giảm tới 42,3% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung nền kinh tế, dù tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 3,6% so với tháng trước, tháng tết Nguyên đán nhưng tăng 19,2% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 18.021 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong tháng, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 478.600 lượt, tăng 31,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm, ngành du lịch ước đón được 954.130 lượt khách, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch 2 tháng ước đạt 1.979 tỷ đồng, tăng 103,5% so với cùng kỳ.

Trong tháng các Chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh, góp phần tạo thêm việc làm cho lao động. Tính đến ngày 1/3, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 1.113,5 tỷ đồng, đạt gần 12,5% kế hoạch năm. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế được tăng cường, Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tiếp tục được thực hiện đúng kế hoạch đề ra. 

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu địa phương

Trong thời gian đến, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, nhất là các chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; Tiếp tục theo dõi, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm đảm bảo tăng trưởng sản xuất công nghiệp; Đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi, thu hút các dự án vào Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu, cụm công nghiệp và các khu, điểm du lịch. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động các dự án đã đăng ký đầu tư. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh, với quyết tâm giành thắng lợi vụ sản xuất Đông Xuân 2022-2023. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng khai thác đất, đá, cát... trái phép; xử lý nghiêm đối với tổ chức và cá nhân vi phạm công tác quản lý, sử dụng đất đai...

Tại hội nghị, các đại biểu các sở ngành đã tập trung thảo luận, đề xuất những giải pháp điều hành, những định hướng đột phá, đưa ngành và địa phương vượt qua những khó khăn, thách thức để giành lấy kết quả khả quan hơn trong tháng tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã điểm lại những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong tháng 2. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp duy trì ổn định và bắt đầu có chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo đầu ra cho nông sản của nông dân trong tỉnh. Thương mại dịch vụ du lịch có nhiều tín hiệu vui, nhất là hoạt động du lịch, nổi bật là tỉnh đã kết hợp với các hãng hàng không và công ty du lịch trong nước để thu hút, đưa khách tới tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 18.021 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những khó khăn trong phát triển kinh tế của tỉnh đó là sản xuất công nghiệp-xây dựng do chịu tác động của nền kinh tế thế giới; tính chủ động giải quyết công việc của một số sở, ngành địa phương có cải thiện nhưng chưa đột phá, đặc biệt là chưa giải quyết các vấn đề một cách cụ thể, còn mang tính chung chung. Một số nhiệm vụ trọng tâm làm còn chưa làm kịp thời và hiệu quả chưa cao; việc xây dựng dữ liệu, phân tích dữ liệu, kết nối chia sẻ dữ liệu, từ đấy ra các quyết định điều hành vẫn chưa quen.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: các sở ngành địa phương phải hoàn thành hệ thống báo cáo, nhập liệu, điều hành và ra quyết định căn cứ trên số liệu phải hoàn thành trước ngày 17/3. Sở KH&ĐT, Cục Thống kê, các sở ngành địa phương phân bổ các chỉ tiêu đến tận xã. Thứ hai, là phải tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã được giao, trong đó phải đưa 11 kiến nghị, đề xuất của tỉnh được Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đồng tình, ủng hộ vào triển khai thực hiện. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, đây phải là 11 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông kết nối, khi triển khai sẽ giúp cho tỉnh Bình Định có bước đột phá. Các công việc này phải có kế hoạch, có phân kỳ cụ thể.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh và quy hoạch của các địa phương, trong đó cần đặc biệt lưu ý chất lượng các quy hoạch, quy hoạch phải chuẩn và các cấp, các ngành phải vào cuộc, không phó mặc cho đơn vị tư vấn. Đồng thời lưu ý, từ nay trở đi phải hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch.

Về nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo Sở NN&PTNT tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chống khai thác IUU, môi trường nông thôn và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là lưu ý việc quản lý vận hành các công trình sau khi đưa vào sử dụng. Sở Công Thương tập trung nắm bắt, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục phát triển các kênh tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tỉnh. Sở Xây dựng tiếp tục tập trung phát triển nhà ở xã hội và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Sở KH&ĐT phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh xúc tiến đầu tư vào tỉnh, trong đó cần đặc biệt lưu ý 5 yếu tố để thu hút đầu tư đó là đất sạch sẵn sàng, thủ tục sẵn sàng với cải cách hành chính rõ nét, quy hoạch sẵn sàng, hạ tầng sẵn sàng và nguồn lực sẵn sàng. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong toàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền trên mạng xã hội để giới thiệu về tỉnh. Ngành du lịch tiếp tục kết nối với các đối tác hàng không, lữ hành tổ chức đưa du khách về tỉnh đồng thời nâng cao chất lượng, dịch vụ du lịch. Các sở ngành còn lại tiếp tục triển khai thực hiện đạt các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu 11 huyện thị, thành phố bắt đầu điều hành phát triển kinh tế-xã hội bằng các số liệu và triển khai tới tận xã; có các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế của địa phương, trong đó phải xác định rõ thế mạnh, ngành nghề ưu tiên phát triển để tạo bước đột phá; tiếp tục phối hợp với các sở ngành đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng các công trình dự án đi qua địa bàn, lưu ý trong quá trình giải phóng mặt bằng phải đảm bảo công bằng, quyền lợi chính đáng của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhắc lại yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, chủ động giải quyết công việc, không ngồi chờ, không thụ động. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thực chất với tinh thần làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bức phá; làm việc cụ thể, thực chất, không chung chung, chủ động bám sát cơ sở, giải quyết các vướng mắc cụ thể.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật