Phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt mùa khô năm 2024
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 16/12/2023, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt mùa khô năm 2024.
Hiện tượng xâm nhập mặn (Ảnh: vietnamnet.vn)
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, dự báo hiện tượng El Nino từ nay đến tháng 02/2024 tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%, từ tháng 3-5/2024 tiếp tục duy trì với xác suất trên 60-85% và cường độ giảm dần. Nhiệt độ trung bình từ tháng 12/2023 đến tháng 05/2024 phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,50C so với trung bình nhiều năm, nắng nóng có khả năng xuất hiện ở Trung Bộ từ khoảng tháng 3/2024, sau đó có xu hướng mở rộng hơn từ tháng 4/2024.
Trên địa bàn tỉnh, đến ngày 07/12/2023, tổng nguồn nước các hồ chứa thủy lợi tích được 611/682 triệu m3 đạt 89,6% dung tích thiết kế bằng 96% cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên có đến 39 hồ chứa tích nước dưới 60% dung tích thiết kế. Với tình hình nguồn nước và dự báo nắng nóng như trên, tỉnh Bình Định có nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước hiện có phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023-2024 cho phù hợp, phải tiết kiệm nước ngay từ vụ Đông Xuân 2023-2024; trong đó, cần lưu ý các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước trong mùa khô.
Trước khi kết thúc vụ Đông Xuân (trước 2 đợt tưới cuối vụ) phải tổ chức kiểm kê nguồn nước các hồ chứa để xây dựng phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho vụ Hè Thu. Tại những vùng thiếu nước cần chuyển đổi cây trồng phù hợp với nguồn nước hiện có; thu hẹp diện tích sản xuất; tổ chức sản xuất vụ Hè ngay sau khi vụ Đông Xuân kết thúc.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp quản lý tốt nguồn nước được giao; tham mưu phương án ứng phó hạn hán cho phù hợp đối với các vùng có nguy cơ thiếu nước. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị cấp nước sạch do huyện quản lý: Bảo trì giếng, bảo trì thiết bị, đường ống từng nhà máy; các nhà máy cấp nước sạch sẵn sàng hoạt động đạt công suất tối đa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân, mở mạng cấp nước sạch và đấu nối đến hộ gia đình. Thống kê các thiết bị chứa, vận chuyển nước sạch hiện có trên địa bàn để huy động vận chuyển nước sạch đến các cụm dân cư bị thiếu nước. Chỉ đạo UBND cấp xã củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở, đội thủy nông, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận nguồn nước tại các điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi, tổ chức phân phối nước đến mặt ruộng theo kế hoạch tưới; tổ chức bảo trì thiết bị bơm, nạo vét bể hút, bể xả, vét kênh mương, kênh mương nội đồng; thống kê các máy bơm hiện có trên địa bàn để huy động chống hạn khi cần thiết.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền đến người dân về tình trạng nắng nóng bất thường, có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt để người dân biết, chia sẻ và chủ động cùng thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước. Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán; trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng ngân sách của địa phương, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Bình Định, trang https://pcttbinhdinh.gov.vn, hệ thống đo mưa chuyên dùng trên trang thông tin Vrain.vn, dung tích các hồ chứa để vận hành điều tiết các hồ chứa phù hợp.
Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức kiểm kê nguồn nước hàng ngày đối với các hồ lớn; kiểm kê nguồn nước hàng tuần đối với các hồ vừa và nhỏ; cuối vụ Đông Xuân đề xuất phương án ứng phó hạn hán trên phạm vi toàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi quản lý tốt hệ thống đê ngăn mặn, giữ ngọt, giảm thiểu xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, bảo trì giếng khoan, thiết bị các nhà máy hiện có; tổ chức mở mạng cấp nước, đấu nối nước vào hộ gia đình; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước sạch, sớm đưa công trình vào sử dụng.
Sở Tài chính trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT, tham mưu UBND tỉnh kịp thời bố trí kinh phí hỗ trợ ứng phó hạn hán theo quy định; đồng thời, hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND các huyện thị xã, thành phố ứng, cấp kinh phí kịp thời phục vụ công tác ứng phó với hạn hán.
Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT điều tiết nguồn nước các hồ chứa thủy điện một cách hợp lý; trong đó, ưu tiên bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Bên cạnh đó, chỉ đạo Công ty Điện lực Bình Định ưu tiên việc cấp điện cho các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhà máy cấp nước sinh hoạt cho dân sinh.
Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý chặt nguồn nước các hồ chứa lớn; tổ chức dẫn nước, cấp nước kịp thời tại các điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ; tổ chức nạo vét kênh mương, thông thoáng lòng dẫn. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án cấp nước hợp lý; xây dựng phương án ứng phó hạn hán cho từng vùng hạn cụ thể; tổ chức điều hòa nguồn nước trong lưu vực, tổ chức chuyển nước sang lưu vực La Tinh. Những vùng thiếu nước phải xây dựng phương án ưu tiên cấp nước sinh hoạt; chấp nhận thu hẹp diện tích sản xuất.
Đài Khí tượng thủy văn Bình Định tăng cường dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh, thường xuyên cung cấp cho các cơ quan liên quan và địa phương để phục vụ chỉ đạo ứng phó hạn hán năm 2024.
Sở Thông tin – Truyền thông, Đài Phát thanh và Đài Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định tăng thời lượng thông tin, về tình hình nắng nóng, có nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, các biện pháp chỉ đạo ứng phó của cơ quan có thẩm quyền để cộng đồng biết, chia sẻ và cùng hưởng ứng với chính quyền thực hiện tiết kiệm nước; biểu dương, khuyến khích những cá nhân, tổ chức tích cực và sáng tạo trong ứng phó với hạn hán.
UBND tỉnh đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn phối hợp với ngành nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các giải pháp kỹ thuật phòng chống hạn; tích cực bám sát địa bàn, vận động, hướng dẫn hội viên, đoàn viên thực hiện tốt các giải pháp sản xuất trong điều kiện hạn hán theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để giành thắng lợi trong sản xuất, ổn định đời sống nhân dân./.