Kỷ niệm 52 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972 - 19.4.2024): Trân trọng và gìn giữ những “địa chỉ đỏ”
Tự hào là mảnh đất có nhiều “địa chỉ đỏ” như: Khu lưu niệm Chi bộ Vạn Ðức, Khu tưởng niệm chiến sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn, Ðền thờ Tăng Bạt Hổ…, huyện Hoài Ân luôn dốc sức gìn giữ, tôn tạo. Trong tâm thức mỗi người dân nơi đây, “địa chỉ đỏ” là nơi nhắc nhớ về cội nguồn, lịch sử quê hương, chốn thiêng liêng để bày tỏ lòng thành kính, tri ân thế hệ đi trước, cũng là nơi tiếp thêm động lực để dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.
Những giá trị sống mãi
Về Hoài Ân trong những ngày tháng 4 lịch sử, khắp mọi nẻo đường từ trung tâm huyện cho đến các di tích, “địa chỉ đỏ”, đâu đâu cũng rợp bóng cờ đỏ sao vàng tung bay chào mừng kỷ niệm 52 năm Ngày giải phóng huyện (19.4.1972 - 19.4.2024). Hoài Ân là địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh Bình Định.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Hoài Ân, An Lão thăm Khu lưu niệm Chi bộ Vạn Đức.
Tại chương trình gặp mặt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Hoài Ân, An Lão qua các thời kỳ, nhân kỷ niệm 52 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân, do Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Ân tổ chức ngày 12.4, nhiều đồng chí cán bộ lão thành như sống lại ký ức một thời lửa đạn hào hùng.
Tay bắt mặt mừng những đồng đội đã lâu không gặp, rồi lại cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ các bậc tiền bối cách mạng tại Khu lưu niệm Chi bộ Vạn Đức, bao kỷ niệm lại ùa về trong nguyên Chủ tịch UBND huyện An Lão Trần Tấn Lộc.
Bằng giọng chậm rãi, ông Lộc kể, ông có 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ tại mảnh đất Hoài Ân. Những năm 1968 - 1972 là giai đoạn ác liệt nhất của thời chiến, ông chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống. Ký ức về sự mất mát ngày ấy trở thành khoảng lặng không thể nào quên. Vậy nên mỗi khi có dịp, ông lại tìm về những nơi một thời lửa đạn như Đồng Bà Dương, Gò Loi, Vạn Đức… để tưởng nhớ đồng đội.
“Xem lại từng bức ảnh, hiện vật được trưng bày, tôi thấy mình đang ở trong những tháng ngày xông pha, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mảnh đất này. Đan xen vào đó là nỗi nhớ những đồng đội xưa mãi mãi nằm lại dưới lòng đất mẹ”, ông Lộc trải lòng.
Cùng cảm xúc bồi hồi, sau khi ghé thăm Khu lưu niệm Chi bộ Vạn Đức và Khu tưởng niệm chiến sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoài Ân Hoàng Anh Dũng bày tỏ niềm vui khi những công trình trên được quan tâm tu bổ, tôn tạo.
Ông Dũng chia sẻ: “Thăm các di tích, “địa chỉ đỏ” của huyện, tôi rất phấn khởi bởi nơi đây luôn khang trang, ấm cúng. Điều này cho thấy sự gìn giữ và tiếp bước truyền thống luôn được chính quyền cùng người dân khắc ghi và thực hiện”.
Tưởng nhớ, giữ gìn
Với lòng thành kính tri ân anh hùng liệt sĩ, thế hệ cha anh đi trước, huyện Hoài Ân luôn chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu tưởng niệm, di tích lịch sử.
ĐVTN xã Ân Tín dọn vệ sinh, chỉnh tranh, giữ cho khuôn viên Khu lưu niệm Chi bộ Vạn Đức được xanh, sạch, đẹp.
Tháng 4.2023, Khu tưởng niệm chiến sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn đã được huyện xây dựng và khánh thành tại thôn Nhơn Tịnh (xã Ân Nghĩa). Công trình gồm 2 hạng mục là mộ tập thể liệt sĩ, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ và Khu tưởng niệm chiến sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn. Riêng Khu tưởng niệm được xây dựng với diện tích hơn 1,8 ha gồm nhiều hạng mục như: Nhà bia, hố khai quật, hệ thống điện chiếu sáng, tường rào cổng ngõ... với tổng mức đầu tư gần 14,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện Hoài Ân đã sưu tầm, bổ sung 100 hiện vật, tài liệu, hình ảnh trưng bày tại Khu lưu niệm Chi bộ Vạn Đức. Thông tin về các “địa chỉ đỏ” khác cũng được số hóa bằng mã QR, giúp du khách, người dân tiếp cận, nắm bắt nội dung liên quan dễ dàng hơn.
Theo bà Nguyễn Đặng Thị Thu Hòa, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân, việc tu sửa các di tích, “địa chỉ đỏ” thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân trọng công lao to lớn của cha ông. “Điều đáng phấn khởi là các di tích sau khi được tôn tạo, đưa vào sử dụng đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, sự mong đợi của người dân nói chung và những nhân chứng lịch sử nói riêng. Nhờ đó, “địa chỉ đỏ” dần trở thành điểm đến thu hút khách du lịch và giàu giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng”, bà Hòa cho biết.
Là tổ chức đại diện cho thế hệ trẻ ở địa phương, Huyện đoàn Hoài Ân thường xuyên tổ chức các chương trình “Về nguồn”, “Hành trình về địa chỉ đỏ”, mời nhân chứng lịch sử kể những câu chuyện “người thật việc thật” để đội viên, ĐVTN thêm hiểu và trân trọng sự hy sinh của ông cha; dâng hương, dâng hoa tại đền thờ, khu tưởng niệm vào các ngày lễ lớn của đất nước, tỉnh và huyện; phân công các cơ sở đoàn vệ sinh, chỉnh trang tại khuôn viên “địa chỉ đỏ”…
Tối 17.4 vừa qua, Huyện đoàn đã tổ chức Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Núi Chéo (xã Ân Thạnh), tặng quà cho các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn xã, với sự tham gia của hơn 200 ĐVTN.
Anh Lê Thanh Việt, Bí thư Huyện đoàn Hoài Ân, cho biết: ““Địa chỉ đỏ” là nơi diễn ra các chương trình trang trọng của tổ chức Đoàn, thể hiện lòng biết ơn, ghi nhớ của tuổi trẻ hôm nay đối với các thế hệ đi trước, đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ, xây dựng quê hương Hoài Ân anh hùng, ngày càng phát triển. Song song với đó, chúng tôi còn đẩy mạnh giới thiệu trên không gian mạng, quảng bá “địa chỉ đỏ” như điểm đến mang giá trị lịch sử đặc trưng của địa phương”.