Thủ phủ cây ăn quả tỉnh Bình Định hướng tới nông nghiệp 'xanh - sạch - giàu'
Sự ra đời của các HTX với những đóng góp tích cực trong quá trình đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật đang giúp huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định thúc đẩy nông nghiệp xanh, sạch, làm giàu cho nông dân.
Cây ăn quả chủ lực
Năm 2017, sau thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn vốn, kiến thức, khoa học kỹ thuật, ông Nguyễn Hoài Thương, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất đồi trồng keo, tràm kém hiệu quả sang cây ăn quả.
Để giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Thương tìm đến cán bộ nông nghiệp huyện để xin tư vấn, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá. Đến nay, sau gần 7 năm nỗ lực, đầu tư hàng tỷ đồng, ông đã xây dựng thành công vùng trồng cây ăn quả rộng trên 5ha.
Cây ăn quả đang là thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hoài Ân.
“Tôi đang triển khai 1.000 cây cam ruột đỏ, 600 cây mít, 500 cây bưởi da xanh cùng các loại bơ, dừa xiêm, sầu riêng. Các loại cây đều đang phát triển ổn định, cho giá trị cao. Cùng với 5 ha đang cho thu hoạch, tôi đang hoàn thiện thêm 2,5 ha cây ăn quả mới”, ông Thương chia sẻ.
Theo ông Thương, trong khi trồng cây nông nghiệp như keo, tràm chỉ cho thu 15 triệu/ha, với thời gian 5 - 6 năm, thì các loài cây ăn quả lại cho giá trị cao hơn hàng chục lần. Điển hình như với cây bưởi da xanh, từ năm thứ 6 trở đi có thể cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/ha/năm.
Thống kê của UBND huyện Hoài Ân cho thấy toàn huyện đang có khoảng 4.000 ha cây trái các loại, trong đó, dừa chiếm số lượng lớn nhất khoảng 1.725 ha, sản lượng hơn 4,2 triệu quả/năm.
Tiếp đến là 405 ha bưởi da xanh, với hơn 210 ha đã cho thu hoạch, sản lượng hơn 1.671 tấn/năm. Ngoài ra còn có 75 ha bơ, 670 ha chuối cùng các cây trồng khác như cây cam, quýt, chôm chôm, sầu riêng, na Thái với diện tích gần 900 ha…
Ấn tượng nông nghiệp công nghệ cao
Không chỉ có cây ăn quả, quá trình hiện đại hóa cũng ngày càng lan rộng trong sản xuất nông nghiệp ở Hòa Ân, đặc biệt trong đó là sự hiện diện của các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho thành viên, nông dân liên kết.
Điển hình, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao La'sfarm Ân Phong, xã Ân Phong là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại rau quả trên địa bàn huyện Hoài Ân.
Ông Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTX La'sfarm Ân Phong cho biết, HTX đang ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao của Israel vào sản xuất như trồng rau trong nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động hẹn giờ và điều khiển sản xuất trên điện thoại thông minh…
Hiện tại, dưa lưới đang là cây trồng chủ lực của HTX, bởi phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại địa phương. Trời càng nắng thì dưa càng có chất lượng cao.
Với diện tích 4.000m2, HTX áp dụng kỹ thuật trồng dưa trong túi nilon chuyên dụng có 2 lớp trắng và đen. Lớp màu trắng bên ngoài có tác dụng không hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời giúp rễ cây không bị nóng, héo, mất nước... Lớp màu đen bên trong có tác dụng bảo vệ rễ, chống sâu bệnh.
Việc sử dụng túi nilon chuyên dụng giúp ngăn chặn rêu, tảo và một số loại cỏ dại phát triển, từ đó giúp cây tận dụng tối đa lượng dinh dưỡng có trong túi bầu.
Để đảm bảo cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước và phân bón đều được chuyển sang sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa. Công nghệ này giúp quản lý được nguồn dinh dưỡng, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Theo Giám đốc HTX Trần Bảo Diệp, nhờ sản xuất khoa học, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, sản phẩm của HTX có chất lượng vượt trội, đã có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc với mã QR.
Trung bình một năm, HTX trồng được 4 vụ, tổng thời gian nghỉ giữa các vụ khoảng 2 tháng. Chu kỳ sinh trưởng của dưa lưới từ 65 - 75 ngày tùy giống, ví như giống TL3 chỉ có 65 ngày, dưa Huỳnh long 70 ngày còn dưa mật 75 ngày.
“Đầu tư chi phí sản xuất một vụ từ giống, phân bón, thuốc, nhân công, giá thể, điện nước… khoảng 60 triệu đồng/1.000m2, năng suất có thể thu khoảng 5 tấn dưa. Giá bán hiện tại 40.000 đồng/kg dưa Huỳnh long, vị chi mỗi vụ thu vào được 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 140 triệu đồng. Mỗi năm làm được 4 vụ, tiền lãi ròng của 4 vụ là 560 triệu đồng”, ông Trần Bảo Diệp tính toán.
Hiện, không chỉ trồng dưa lưới, HTX La’sfarm Ân Phong còn đang mở rộng sang sản xuất các loại rau quả an toàn như dưa hấu, dưa lê Hàn Quốc, cà chua sô cô la, dưa leo baby…
Giải bài toán thị trường
Đến đầu năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bảy nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện Hoài Ân (Trà Gò Loi, bưởi Hoài Ân, dừa xiêm Hoài Ân, heo Hoài Ân, gà ta thả vườn Hoài Ân, mít Thái Hoài Ân và tiêu hột Hoài Ân) và một sản phẩm gạo hữu cơ đang đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
Với 37 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP và 28 sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã có thu nhập cao, ổn định cuộc sống.
Với những thành công đang có, theo lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân, quan trọng nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm, do vậy, huyện tính toán quy hoạch vùng sản xuất mới đủ tiêu chuẩn ban đầu (cụ thể là vùng bưởi và dừa xiêm tập trung) nhằm áp dụng đồng bộ quy trình, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ.
Huyện cũng xây dựng HTX nông nghiệp chuyên ngành tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cao khả năng cạnh tranh, mức độ nhận diện cho sản phẩm nông nghiệp của Hoài Ân thông qua việc tiếp tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm của địa phương.
“Tới đây, để ngành nông nghiệp huyện phát triển thì ngoài quy hoạch lại không gian, tổ chức lại sản xuất thì chúng tôi cần đẩy mạnh thu hút đầu tư dự án lớn, liên kết các ngành nghề phát triển, trong đó có du lịch nông nghiệp. Tiếp tục tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là củng cố xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông, hệ thống điện”, lãnh đạo UBND huyện nhấn mạnh.