Học sinh dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa truyền thống
Thông qua các CLB, các trường phổ thông dân tộc thiểu số đã gieo tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh; giúp các em sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ của dân tộc mình và tự tin tham gia các hoạt động biểu diễn giao lưu văn hóa tại địa phương trong dịp lễ, tết.
1. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT Bình Định có 353 học sinh người Bana, H’re và Chăm đang học tập. Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, những năm qua, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nội dung xoay quanh các tiết mục văn nghệ, ẩm thực, trình diễn trang phục và các điệu múa truyền thống của một số dân tộc thiếu số trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, trường đã có đội cồng chiêng và múa xoang biểu diễn tại các hoạt động khai giảng, bế giảng, lễ hội của trường và tham gia lễ hội của tỉnh. Em Đinh Anh Hải (người Bana, học sinh lớp 11) chia sẻ: Nhóm cồng chiêng chúng em có 13 người đang tập luyện thường xuyên. Theo em, cảm thụ âm nhạc là điều khó nhất, chúng em phải tập luyện kiên trì để biểu diễn sao cho có hồn nhất. Hiện tại, em đã có thể cùng bà con biểu diễn cồng chiêng vào các dịp lễ hội, tết ở buôn làng.
Năm 2023,Trường PTDTNT THPT Bình Định thành lập thêm CLB tiếng H’re giúp học sinh người H’re học chữ viết của chính dân tộc mình. Em Đinh Thị Xuân Yến (người H’re, học sinh lớp 12) chia sẻ: Nhà trường mong muốn khi đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học sẽ giúp chúng em có thêm tình yêu và đặc biệt là tự tin khi giao lưu với các bạn, không còn khoảng cách về văn hóa. Em cảm thấy rất thích thú khi được học tiếng của dân tộc mình, qua đó giúp bản thân biết nhiều hơn về văn hóa H’re, có thể lưu giữ chữ viết và truyền cho các thế hệ sau.
Bà Võ Thị Bích Lệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Dịp kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hằng năm, nhà trường tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng cho học sinh. Hiện CLB cồng chiêng của trường sinh hoạt vào chiều thứ Bảy hằng tuần với hơn 65 em tham gia. Nhiều phụ huynh khi biết con em tập luyện cồng chiêng cũng tự nguyện đến tận trường hỗ trợ các em tập luyện. Qua đó, các em hiểu biết, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và góp phần giữ gìn tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc.
Học sinh Trường PTDT THCS & THPT Vĩnh Thạnh hào hứng khi tham gia sinh hoạt tại CLB Văn hóa truyền thống. Ảnh: KIỀU VY
2. Duy trì đến nay đã được vài năm, CLB Văn hóa dân tộc Trường PTDT THCS & THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) là nơi học sinh trong trường được giao lưu và tìm hiểu về: Ẩm thực, dân ca Bana, cồng chiêng, sưu tầm nhạc cụ, trò chơi truyền thống… vào các tối thứ Hai, Tư, Sáu.
Em Đinh Thị HLoan, học sinh lớp 8, thành viên CLB, cho hay: Em tham gia CLB từ khi học lớp 6, tại đây, không chỉ được tập và biểu diễn múa xoang, em còn được học cách chế tác nhạc cụ, nhận biết điệu múa, bài hát, nhạc cụ của dân tộc mình. Từ những dịp giao lưu, em cảm thấy vui và tự hào, mong muốn được tham gia nhiều hơn, giới thiệu đến các bạn về văn hóa của dân tộc mình.
Xen kẽ các hoạt động tập luyện đánh cồng chiêng, múa xoang, nhà trường còn tổ chức các buổi giao lưu với các nghệ nhân để học sinh tìm hiểu về âm nhạc truyền thống, dệt thổ cẩm…
Thầy Đinh Văn Toàn, chủ nhiệm CLB cho hay: Tôi rất mừng khi các em đều có sự hào hứng và nhiệt tình khi được tìm hiểu về truyền thống của dân tộc mình. Sau thời gian đồng hành cùng các em trong CLB, tôi nhận thấy các em có sự thay đổi tích cực như mạnh dạn hơn trong các hoạt động văn hóa, xã hội. Hơn hết, các em có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc bằng việc tự tin, sôi nổi tham gia các hoạt động của địa phương.