|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các thủ đoạn mới của tội phạm ma túy

Việt Nam và Campuchia đều nằm gần khu vực "tam giác vàng" và cả hai nước đều nằm trên tuyến hàng hải quốc tế nên chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của tội phạm ma túy (TPMT) trên thế giới cũng như khu vực. Tội phạm từ nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước, hình thành nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Nhiều phương thức, thủ đoạn mới đã xuất hiện trong giao dịch, trao đổi ma túy, tuồn ma túy từ nước ngoài vào nội địa.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, chia sẻ: “Các đối tượng dùng tiền ảo bitcoin để mua bán ma túy. Mọi thao tác đều thực hiện trên tài khoản ảo, thanh khoản trên mạng nên việc truy vết, điều tra gặp nhiều khó khăn”.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam và công an Campuchia thường xuyên giao ban, trao đổi thông tin. 

Trong chuyên án do lực lượng phòng, chống ma túy, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia vừa bóc gỡ, các đối tượng cầm đầu dùng số điện thoại của người thân để lập tài khoản Viber, Telegram rồi lên mạng xã hội mua bán ma túy. Khi các lực lượng phối hợp tổ chức theo dõi, truy bắt thì không tìm được đối tượng, không bắt được quả tang.

Ngoài việc ẩn danh, thay đổi liên tục phương thức vận chuyển, các đối tượng còn thuê kho tập kết ma túy tại địa bàn TP Hồ Chí Minh rồi tìm cách vận chuyển đi nước thứ 3 như: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản... Thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng xin cấp phép, thành lập các công ty bình phong để thực hiện ngụy trang cất giấu ma túy vào hàng hóa, tìm cách vận chuyển. Phương thức phổ biến nhất là giấu ma túy trong khoảng trống tự nhiên của các phương tiện giao thông, đồ mỹ nghệ, giấu lẫn trong hàng hóa cồng kềnh như kiện hàng, máy móc, nông sản, hải sản...

 Ngoài việc đánh lạc hướng, chống trả lực lượng chức năng khi bị truy quét, các đối tượng buôn bán ma túy còn tìm cách mua chuộc lực lượng chức năng. Khi không mua chuộc được bằng tiền, các đối tượng nhắn tin đe dọa, thậm chí dùng hình ảnh, thông tin về vợ con, gia đình của cán bộ, chiến sĩ để thao túng tâm lý, dọa dẫm. Nếu không có bản lĩnh vững vàng, lực lượng đánh án dễ mắc vào những cạm bẫy của tội phạm. Trung tướng Nguyễn Văn Viện cho hay: “Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên quan tâm, bám nắm tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Trước mỗi chuyên án, tình huống, đơn vị có các biện pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, động viên tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ, giúp anh em tránh khỏi những “viên đạn bọc đường” của TPMT”.

Để nắm bắt các chiêu trò, lật tẩy thủ đoạn của TPMT, các đơn vị BĐBP, công an Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với công an Campuchia trong hoạt động điều tra, xác minh. Tại những địa bàn trọng điểm tiếp giáp, các lực lượng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhau trong nhiều nội dung như: Thu thập tài liệu, xác minh các đường dây, tổ chức nghi vấn buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới; phối hợp truy bắt, đón lõng các đối tượng. Đại tá Vũ Xuân Đại, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc BĐBP cho biết: “Từ năm 2023 đến nay, BĐBP Việt Nam và công an Campuchia đã tổ chức 255 buổi hội đàm, giao ban, cuộc gặp hẹn, thư thông báo trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm. Đã có hơn 600 tin được trao đổi với 126 tin có giá trị phục vụ trực tiếp công tác đấu tranh, phòng, chống TPMT”.

Sau mỗi chuyên án lớn, các đơn vị Bộ đội Biên phòng, công an Việt Nam và cơ quan chức năng nước bạn tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác phối hợp, đấu tranh; tổ chức huấn luyện, tập huấn, trao đổi đoàn để nâng cao năng lực nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, các lực lượng đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp trong đấu tranh, ngăn chặn TPMT trên vùng biển tiếp giáp.

Nhờ sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng, từ năm 2023 đến nay, công tác đấu tranh, phòng, chống TPMT khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia đi vào chiều sâu. Lực lượng chức năng hai nước đã đấu tranh thành công 14 chuyên án, bắt 109 vụ với 201 đối tượng; thu giữ hơn 300 bánh heroin, hơn 300kg ma túy tổng hợp, hàng chục ki-lô-gam cần sa (khô và tươi), 8 khẩu súng tự chế... Thông qua mạng lưới 8 văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) của Việt Nam và 7 văn phòng BLO các tỉnh đối biên của Campuchia, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 50.000 phương tiện và hơn 500.000 người, thu giữ 18kg ma túy tổng hợp, 57kg cần sa tại Việt Nam; 17kg ketamin, gần 1kg ma túy đá tại Campuchia. Điển hình là chuyên án ngày 12-7, lực lượng chức năng của Việt Nam phối hợp với Công an tỉnh Svay Rieng (Campuchia) truy bắt đối tượng, thu 9kg ma túy khi đối tượng chạy qua biên giới, trốn tại tỉnh Tây Ninh. Hay chuyên án mới đây nhất ngày 7-10, lực lượng phối hợp đã bắt giữ 2 đối tượng là Trần Văn Sướng và Lý Minh Thương vận chuyển 30kg ma túy đá từ biên giới Campuchia vào nội địa.


Tác giả: TUẤN NAM
Nguồn:qdnd.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật