1. Dân số

Năm 2019, dân số trung bình tỉnh Bình Định là 1.487.900 người. Mật độ dân số trung bình 245,1 người/km2, bằng 89.4% mật độ trung bình của cả nước (274 người/km²); tỷ lệ dân số thành thị chiếm 40,3%, nông thôn chiếm 59,7%; dân số nam chiếm 49,3%, dân số nữ chiếm 50,7%.

Bình Định có dân tộc Kinh (chiếm 98%), ngoài ra còn có các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Ba Na và Hrê sinh sống ở các huyện miền núi và trung du.

Dân cư trên địa bàn tỉnh phân bố không đều, mật độ dân số toàn tỉnh là 245,1 người/km2; dân cư tập trung đôngnhất tại khu vực thành phố Quy Nhơn (mật độ dân số trung bình 1014,5 người/km2), tiếp đến là tại thị xã An Nhơn (mật độ trung bình 719,1 người/km2), huyện Hoài Nhơn (mật độ trung bình 494,6 người/km2); thấp nhất là huyện Vân Canh với 31,6 người/km2.

2. Lao động

Sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Định đã tác động tích cực đến cơ cấu lao động của tỉnh theo xu hướng giảm tỷ trọng lao động thuộc khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Tính đến 2019, lực lượng lao động trẻ 15 tuổi trở lên là 891.238 người, trong đó làm việc trong nền kinh tế khoảng 864.557 lao động chiếm khoảng 97%. Trong đó lực lượng lao động làm việc trong ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản ước khoảng 308.360 lao động (chiếm 35,6%), lực lượng lao động làm việc trong ngành Công nghiệp và xây dựng ước khoảng 252.239 lao động ( chiếm 29,2%) và có khoảng 303.958 lao động làm việc trong ngành thương mại dịch vụ( chiếm 35,2%).

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo đạt 19,2%, trong đó lao động đã qua đào tạo khu vực thành thị đạt 31,95%, khu vực nông thôn đạt 14,09% được chia ra ở nhiều cấp trình độ chuyên môn kỹ thuật khác nhau từ công nhân kỹ thuật không bằng đến trình độ tiến sỹ; trong đó nhiều nhất là công nhân kỹ thuật chiếm 52,1% trong tổng số lao động đã qua đào tạo.

Có sự khác nhau đáng kể về phân bố lực lượng lao động theo tuổi giữa khu vực thành thị và nông thôn. Chất lượng của lao động tỉnh Bình Định còn thấp, đây là thách thức lớn trong việc đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

 

[1] Nguồn: Cục Thống kê Bình Định; Niên giám Thống kê tỉnh Bình Định năm 2020