Lời đầu tiên, thay mặt UBND tỉnh Bình Định, Tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm của các bạn đến Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Bình Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, từng là cố đô của Vương quốc Chăm pa xưa; quê hương của người anh hùng kiệt xuất Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nơi đây từ lâu được biết đến là miền “đất võ, trời văn” với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, riêng có như hát bội, bài chòi, võ cổ truyền, nhạc võ Tây Sơn… Đồng thời, cũng là nơi sinh ra, nuôi dưỡng và là điểm dừng chân của những danh nhân văn hóa, nhiều thi nhân, nghệ sĩ nổi tiếng, đã đi vào lịch sử thơ ca, âm nhạc của nước nhà, như: Đào Tấn, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Trịnh Công Sơn... Nhân dân Bình Định dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và cần cù, thông minh, sáng tạo trong xây dựng quê hương.
Bình Định còn được thiên nhiên ban tặng nhiều địa danh, danh lam thắng cảnh, vũng, vịnh, bãi tắm đẹp chạy suốt chiều dài 134km bờ biển, với nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng như: Bãi biển Quy Nhơn, Ghềnh Ráng Tiên sa, Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Sẹo, Hòn Khô, Trung Lương, Đầm Thị Nại, Cù Lao Xanh, Hầm Hô, Mũi Vi Rồng,... Những năm gần đây, Bình Định được ví như “ngôi sao nối ngôi” trên bản đồ du lịch miền Trung; trong đó, thành phố Quy Nhơn được vinh dự nằm trong top 20 điểm du lịch trải nghiệm hàng đầu thế giới và là 01 trong 03 thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020. Bình Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng Khu đô thị khoa học với hạt nhân là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành; đến năm 2020, Trung tâm đã thu hút 15 giáo sư đoạt giải Nobel cùng nhiều nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước đến chia sẽ ý tưởng, trao đổi kinh nghiệm, học tập, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định với quy mô 1.000 ha để chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bình Định là 1 trong 5 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đầy đủ các phương thức vận tải. Theo trục Bắc - Nam, hệ thống đường bộ và đường sắt kết nối tỉnh Bình Định với các địa phương ở hai đầu đất nước; theo trục Đông - Tây, Quốc lộ 19 là cửa ngõ ra biển gần nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê kông mở rộng. Đặc biệt, Cảng biển quốc tế Quy Nhơn và Cảng hàng không Phù Cát đang ngày càng phát triển, tăng nhanh năng lực giao thương quốc tế, không những đáp ứng nhu cầu vận tải của địa phương mà còn góp phần quan trọng đẩy mạnh lưu thông hàng hóa của các tỉnh lân cận.
Nhờ phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, trong giai đoạn 2015-2020, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả rất quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng bình quân hàng năm 6,4%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, xoá đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,43%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; an ninh - quốc phòng được giữ vững.
Trong giai đoạn tới, với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung, Bình Định tập trung phát triển kinh tế dựa vào 05 trụ cột, gồm: Phát triển công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không; phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, xác định 03 khâu đột phá tạo động lực tăng trưởng là: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, cùng với chủ trương phát huy nội lực, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút và trọng dụng nhân tài, cải thiện môi trường đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với vai trò là đầu mối tập trung thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh; đồng thời giúp UBND tỉnh giám sát công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch và tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Với phương châm Cổng thông tin điện tử tỉnh sẽ là cầu nối thông tin giữa các nhà đầu tư, khách du lịch, các tổ chức và Nhân dân với chính quyền địa phương, UBND tỉnh Bình Định mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm và cam kết đồng hành nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xây dựng quê hương tỉnh Bình Định ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Trân trọng kính chào!
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định