A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến công thầm lặng của những chiến sĩ tác chiến điện tử

Không nhiều người biết phía sau thành công của Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 vừa diễn ra an toàn tuyệt đối có sự đóng góp thầm lặng của một lực lượng đặc biệt, làm nhiệm vụ bảo vệ từ sớm, từ xa cho sự kiện quan trọng trước mọi nguy cơ mất an toàn, an ninh…

Trên “mặt trận sóng điện từ” không tiếng súng 

Theo Thượng tá Phạm Văn Duyệt, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 84, Cục Tác chiến Điện tử (TCĐT), Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy lực lượng TCĐT bảo vệ Triển lãm, sau khi những lực lượng cuối cùng tại Triển lãm cơ động khỏi Sân bay Gia Lâm, lực lượng TCĐT mới chính thức kết thúc nhiệm vụ tại triển lãm

Ngoài nhiệm vụ trưng bày, giới thiệu các khí tài TCĐT hiện đại, lực lượng TCĐT còn có nhiệm vụ triển khai trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Triển lãm, phòng, chống, ngăn chặn các phương tiện bay không người lái (UAV) hoạt động trái phép, gây nhiễu các thiết bị kích nổ điều khiển từ xa bằng vô tuyến để bảo vệ yếu nhân (VIP) và đảm bảo an ninh, an toàn khu vực triển lãm, đồng thời tổ chức lực lượng sẵn sàng cơ động xử trí tình huống. 

Đồng chí Đại tá Hoàng Tú Xinh (ngoài cùng, bên trái), Phó trưởng phòng Tham mưu, Cục Tác chiến Điện tử kiểm tra, chỉ đạo lực lượng TCĐT thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn cho Triển lãm.

Trung tâm chỉ huy của lực lượng TCĐT bảo vệ Triển lãm tại Sân bay Gia Lâm, vào ngày cuối cùng triển lãm mở cửa, không khí làm việc vẫn rất khẩn trương. Trong căn phòng nhỏ được thiết lập tạm thời ở vị trí trên cùng của một tòa nhà trong khu vực sân bay cùng với hệ thống các thiết bị trinh sát, gây nhiễu TCĐT, các cán bộ, chiến sĩ với tinh thần trách nhiệm cao, suốt thời gian cả trước và trong quá trình diễn ra triển lãm quốc phòng đã lập những chiến công thầm lặng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối sự kiện quan trọng của Quân đội. 

Thượng tá Phạm Văn Duyệt, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy trao đổi nghiệp vụ với các sĩ quan đang làm nhiệm vụ.  

Thượng tá Phạm Văn Duyệt chia sẻ, vào những lúc cao điểm như lễ khai mạc hay nhân dân đến tham quan triển lãm đông quá mức, không khí làm việc căng hơn nhiều vì đây là thời điểm có nhiều UAV được cấp phép cùng hoạt động một lúc, rất dễ bị những phần tử xấu lợi dụng tình hình để trà trộn các UAV sử dụng với mục đích phá hoại hoặc ý đồ xấu. Có những tình huống người dân vô tình không nắm chắc luật, nên mang thiết bị UAV vào, sử dụng để quay phim, chụp hình đều bị lực lượng TCĐT kịp thời phát hiện, chế áp ép hạ, xử lý theo quy định.

Tất cả các UAV muốn được hoạt động ở khu vực này đều phải xin cấp phép từ trước, đăng ký số hiệu, nhãn hiệu, khu vực bay…, giúp lực lượng TCĐT quản lý và phân biệt được đâu là những UAV được phép và đâu là những UAV bay trái phép. 

 Các vị trí đều phải có sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, kịp thời và khẩn trương trước các tình huống cần xử lý. 

Các trắc thủ làm nhiệm vụ phát hiện các UAV thường được bố trí ở vị trí cao nhất để dễ quan sát, phát hiện các UAV trái phép, xuất hiện bất ngờ. Đây cũng là nơi không có mái che để bảo đảm không bị khuất tầm nhìn, nên điều kiện làm việc khá thử thách, nhất là những lúc thời tiết nắng nóng hoặc nửa đêm về sáng thời tiết Hà Nội lạnh sâu.

Các trắc thủ số 1,2,3 - ai nấy mặt mũi đều đen sạm vì nắng gió sau nhiều ngày liên tục làm nhiệm vụ, trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 ở vị trí ít người thấy. Thượng úy QNCN Hà Mạnh Thắng - trắc thủ số 1, cho biết, ngoài sử dụng các thiết bị trinh sát điện tử phát hiện UAV ở phạm vi xa, ống nhòm cũng được sử dụng để phát hiện các UAV bằng mắt thường.  

Tại Trung tâm chỉ huy, các cán bộ và trắc thủ cũng trực 24/24, không một phút lơ là, thường trực trên màn hình quan sát để không bỏ qua bất cứ thông số nào, kịp thời xử lý, phối hợp hiệp đồng, ngăn chặn các UAV hoạt động trái phép bay vào khu vực mục tiêu bảo vệ. 

 

 Không khí làm việc khẩn trương ở Trung tâm chỉ huy lực lượng TCĐT bảo vệ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. 

Theo Thượng tá Phạm Văn Duyệt, nhiệm vụ của lực lượng TCĐT trong năm 2024 dày đặc, tính trung bình cứ khoảng 2 ngày lại có một sự kiện lớn nhỏ khác nhau cần triển khai bảo vệ. Có khi nhận nhiệm vụ đột xuất lúc nửa đêm cũng phải cơ động, triển khai chuẩn bị khí tài, phương tiện. Có nhiệm vụ yêu cầu triển khai trước 4 giờ sáng, nên 1, 2 giờ sáng đã phải cơ động từ đơn vị đi. Lúc ấy việc phải liên hệ, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị để triển khai phương tiện, thiết bị vào ban đêm, lại ở các vị trí trên cao như mái nhà, nóc khách sạn… gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ mất an toàn cao. 

Trung tâm chỉ huy chịu trách nhiệm điều phối và ra các mệnh lệnh chỉ huy tới các tổ TCĐT được bố trí tại các vị trí xung quanh mục tiêu bảo vệ là Sân bay Gia Lâm, các đối tượng cảnh vệ liên quan tới triển lãm như các khách sạn nơi có các đoàn khách quốc tế lưu trú và địa điểm diễn ra các hoạt động liên quan… 

 Kiên quyết chế áp, loại bỏ những mối nguy từ sớm, từ xa

Thượng tá Phạm Văn Duyệt cho biết thêm, trong quá trình làm nhiệm vụ tại Triển lãm, do lực lượng TCĐT triển khai tại nhiều địa điểm nên công tác chỉ huy, điều hành tương đối phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, để vừa chế áp thành công UAV hoạt động trái phép, vừa bảo đảm an toàn cho các UAV hoạt động có phép. Vì vậy, trong một số trường hợp buộc phải yêu cầu người điều khiển UAV có phép thu hồi thiết bị để lực lượng TCĐT ép hạ UAV trái phép. Tại lễ khai mạc, kể cả các những thiết bị có đăng ký trước mà bay không đúng độ cao, không đúng khu vực đăng ký gây ảnh hưởng tới hoạt động bay chào mừng của lực lượng không quân, cũng sẽ lập tức bị chế áp điện tử và ép hạ. 

 Các trắc thủ thao tác trên các thiết bị, khí tài tác chiến điện tử. 

Đối với lực lượng TCĐT, chỉ một phút mất tập trung đều có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn mục tiêu bảo vệ. Đối tượng thường là các UAV bay với tốc độ rất nhanh, xuất hiện bất cứ lúc nào, nên đòi hỏi khi có tình huống phải xử lý nhanh, chế áp ngay, kiên quyết không cho thiết bị xâm nhập vào khu vực bảo vệ. Cùng với đó là khả năng trinh sát, phát hiện mục tiêu từ sớm, từ xa, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các tổ TCĐT, thao tác trên thiết bị khẩn trương nhất có thể để kịp thời trấn áp, ép hạ đối tượng. 

Theo Trung tá Nguyễn Trung Kiên, sĩ quan đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận các thông tin về UAV để phối hợp xử lý: Trong những tình huống gấp, có khi yêu cầu chỉ tính bằng giây là phải chế áp điện tử, nhằm sử dụng năng lượng sóng điện từ cắt đứt, gây nhiễu toàn bộ tín hiệu vô tuyến để UAV không nhận được tín hiệu điều khiển, dẫn đường và bị ép hạ. 

Đại tá Hoàng Tú Xinh, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Cục TCĐT cho biết, là lực lượng chiến đấu bằng vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, nhưng con người vẫn là yếu tố quyết định. Vì thế để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, lực lượng TCĐT luôn chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng cho bộ đội làm chủ khí tài, nắm chắc quy trình tổ chức chỉ huy, cơ động lực lượng và thực hành chiến đấu. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện, diễn tập; khai thác hiệu quả các phần mềm huấn luyện mô phỏng… 

Trắc thủ số 1 làm nhiệm vụ quan sát, phát hiện các UAV hoạt động trái phép tại khu vực Triển lãm. 

Kinh nghiệm cọ xát thực tế qua các lần tham gia những nhiệm vụ quan trọng của Quân đội trong các cuộc diễn tập như Diễn tập đối kháng UAV và tham gia bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các mục tiêu trọng yếu, các đối tượng cảnh vệ… đã giúp các cán bộ, chiến sĩ TCĐT thêm tự tin và vững vàng khi thực hiện nhiệm vụ tại triển lãm. 

Trung úy Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1999, là thành viên trẻ nhất làm nhiệm vụ ở Trung tâm chỉ huy, chia sẻ, mỗi vị trí dù là ai cũng đều bắt buộc phải thuần thục kỹ năng của mình và phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ với các đồng đội là yếu tố quyết định thành công của nhiệm vụ.    


Tác giả: MỸ HẠNH
Nguồn:qdnd.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật