Công an tỉnh Bình Định khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với tội phạm công nghệ cao.
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 83 vụ lừa đảo trên không gian mạng, số tiền bị chiếm đoạt hơn 83 tỷ đồng, có bị hại bị lừa hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, nổi cộm lên tình trạng các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… để lừa đảo, hay lừa đảo thông qua hình thức đầu tư tài chính, chứng khoán, trúng thưởng thông qua Facebook, Zalo…
Từ tình hình trên, nhằm góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng ngừa, dấu hiệu nhận biết và cảnh báo người dân về thủ đoạn, phương thức của loại hình tội phạm này. Đặc biệt, nhận thấy vai trò quan trọng, hiệu quả ngăn chặn khách hàng chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo của các ngân hàng thương mại, Công an tỉnh Bình Định đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho tất cả các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh về kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch ngân hàng. Qua triển khai tập huấn, nhân viên các ngân hàng thương mại đã ngăn chặn 05 vụ khách hàng chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo với số tiền 1,8 tỷ đồng, cụ thể: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bình Định 02 vụ, 01 tỷ đồng; Ngân hàng Công thương chi nhánh Bình Định 01 vụ, 710 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Quy Nhơn 01 vụ, 26 triệu đồng; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Bình Định 01 vụ, 100 triệu đồng.
Trao Giấy khen cho nhân viên ngân hàng LPBank.
Công an tỉnh Bình Định đánh giá cao và đã biểu dương, khen thưởng kịp thời tinh thần, nghiệp vụ nhận diện khách hàng có khả năng bị lừa đảo của các nhân viên ngân hàng. Kết quả trên đã thể hiện rõ vai trò rất quan trọng của nhân viên ngân hàng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn vụ việc lừa đảo, kịp thời bảo vệ tài sản của khách hàng; ngoài ra, góp phần hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trao Giấy khen cho 02 nhân viên ngân hàng BIDV
Để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh Bình Định khuyến cáo người dân một số nội dung sau:
- Mọi người dân cần chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.
- Người dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, đặc biệt là mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,…) qua điện thoại và mạng Internet.
- Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, thẻ ngân hàng; không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.
- Người dân cũng không nên truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Cần cảnh giác đối với những lời mời, chào đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường.
- Người dân khi nhận được thông tin đề nghị chuyển tiền trên mạng xã hội của người thân, bạn bè... cần gọi điện qua số điện thoại để xác minh lại thông tin.
- Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Một lần nữa, Công an tỉnh Bình Định khẳng định cơ quan Công an không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội, khi cần làm việc cơ quan Công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc thông qua Công an địa phương. Cơ quan Công an, cơ quan Nhà nước không yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản nhằm bảo lãnh, để xác minh; không gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội.