A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác xử lý vi phạm hành chính: Nhận diện khó khăn, tháo gỡ vướng mắc

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác xử lý vi phạm hành chính vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương để khắc phục.

Trong năm 2023, các sở, ban, ngành, địa phương đã phát hiện và tham mưu người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đối với 3.819 vụ việc/3.937 đối tượng. Riêng Sở Tư pháp đã kiểm tra, đánh giá và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh hướng xử lý 96 vụ việc VPHC. Với vai trò là cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác xử lý VPHC tại địa phương, Sở Tư pháp đã nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong công tác này.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ các quy định của pháp luật chưa thống nhất và đầy đủ, những khó khăn, vướng mắc chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan của những người làm công tác xử lý VPHC.

Cụ thể, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với một hành vi VPHC đã được quy định rõ ràng, cụ thể. Ví dụ, tại Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC) có quy định: “Trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng của giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó”. Tuy nhiên, khi áp dụng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, một số trường hợp xử phạt chưa thực hiện đúng quy định, dẫn đến áp dụng các hình thức xử phạt không phù hợp.

CA xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) lập biên bản xử phạt VPHC một số thanh niên không khai báo tạm trú tại địa phương.  Ảnh: Cơ quan CA cung cấp

Trong trường hợp có quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với một hành vi VPHC thì người có thẩm quyền phải bắt buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, phải ghi rõ lý do, căn cứ không áp dụng. Tuy nhiên, một số quyết định xử phạt trong thực tế không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng không ghi rõ lý do; dẫn đến vi phạm một trong những điều cấm là áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không đầy đủ.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến quá trình tham mưu, xử lý hành vi VPHC xuất phát từ việc những người có thẩm quyền trong khi lập biên bản VPHC ghi không chính xác số định danh cá nhân, hộ chiếu, mã số DN, số giấy chứng nhận… của cá nhân, tổ chức vi phạm. Từ đó dẫn đến việc ra quyết định xử phạt không đúng đối tượng, hoặc không thể ra quyết định xử phạt, phải xác minh lại tình tiết của vụ việc, rất mất thời gian…

Bà Trần Thị Túy, Trưởng Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý VPHC (Sở Tư pháp), cho hay trong thời gian tới, Phòng sẽ chủ động tham mưu lãnh đạo Sở tăng cường, đổi mới cách thức tập huấn nghiệp vụ để cán bộ, công chức làm công tác xử lý VPHC có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc xử lý những vụ việc phức tạp. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng của công tác này.

Theo ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, xử phạt VPHC là lĩnh vực khó, phức tạp. Quá trình xử lý một hành vi VPHC liên quan đến nhiều người có thẩm quyền khác nhau với trình tự, thủ tục khác nhau nên rất dễ sai sót.

“Chúng tôi mong muốn lãnh đạo các đơn vị có thẩm quyền xử phạt bố trí cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp lý để rà soát toàn bộ văn bản, tài liệu có trong hồ sơ vụ việc trước khi chuyển cho người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt. Từ đó, góp phần hạn chế sai sót, đảm bảo tính hợp pháp của quyết định xử phạt”, ông Dân chia sẻ.      


Tác giả: Xuân Quỳnh
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật