Dấn thân, tận hiến, vì dân là đặc trưng nổi bật của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Đó là nội dung xuyên suốt được cán bộ, chiến sĩ và các đại biểu trao đổi, trình bày trong tọa đàm với chủ đề “Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc” do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tổ chức ngày 8-10, tại Trung đoàn 98. Nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ tại tọa đàm đã nêu bật giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tọa đàm là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024).
Nét đẹp Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong lòng nhân dân
Tham dự tọa đàm có Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND; Đại tá Đào Ngọc Phương, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2. Cùng dự có đại biểu Cục Chính trị, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam); chỉ huy các phòng, ban của Báo QĐND; các đồng chí trong Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 316; đại biểu Huyện ủy Đoan Hùng (Phú Thọ), đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cùng hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316. Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập Báo QĐND và Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316 đồng chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316. Ảnh: TRỌNG HẢI
Trong không khí ấm áp, thân tình, các đại biểu cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam và truyền thống của Sư đoàn 316 anh hùng. Cầm trên tay cuốn “Ký ức làng Nủ” do cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 vừa in ấn và phát hành trong nội bộ đơn vị, Đại tá Lê Ngọc Long đọc lại hai câu chuyện xúc động.
Câu chuyện thứ nhất được Thiếu tá Đào Xuân Trình, Phó chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Trung đoàn 98 viết: “Thực hiện nhiệm vụ tại thôn Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai), nguồn thực phẩm chủ yếu được khai thác tại chỗ. Đến nhiều gia đình tìm mua lợn thịt, tôi nhận được câu trả lời “lũ trôi hết rồi, không có lợn để bán đâu”. Có chị chủ nhà bảo: “Lợn thì gia đình không có, chỉ có một con bò sẵn sàng cho các chú bộ đội, để tôi dắt sang cho các chú thịt”. Cổ tôi nghẹn lại, cay cay nơi khóe mắt, giọng lắp bắp, tôi giải thích: “Chúng em đã có chế độ, tiêu chuẩn của Quân đội rồi, chị để con bò lại, khi hết lũ lấy kế sinh nhai”. Câu chuyện thể hiện sâu sắc tình quân dân gắn bó, là biểu hiện sinh động của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn hết lòng vì dân nên được nhân dân tin yêu, quý mến.
Câu chuyện thứ hai được Hạ sĩ Bàn Văn Lỳ, chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 viết trong những ngày thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ: “Khoảng 23 giờ, đang cúi xuống thổi lửa cho cháy to, khi ngẩng đầu lên, tôi giật mình, thì ra đồng chí đại đội trưởng đã đứng bên cạnh tôi từ lúc nào. Rồi tôi giải thích: “Em có hai bộ quần áo lót đều ướt hết cả rồi, em hơ cho khô để mặc đi ngủ ạ”. Anh chỉ bảo đi về gặp anh, trong đầu tôi mường tượng ra hàng trăm câu trách mắng. Nhưng anh không trách mắng tôi lời nào mà anh soi đèn mở ba lô lấy ra chiếc quần đùi quân nhu và bảo tôi mặc vào rồi đi ngủ lấy sức mai còn làm việc”. Câu chuyện thể hiện sâu sắc tình đồng đội và mối quan hệ đoàn kết cán binh. Là cán bộ được nhắc đến trong câu chuyện của chiến sĩ trẻ, Đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 bày tỏ: “Trong khó khăn, tình yêu thương đồng đội đến một cách tự nhiên, khi ấy không còn khoảng cách. Đó cũng là nét đẹp của Bộ đội Cụ Hồ được biểu hiện trong thực tiễn công tác ở đơn vị”.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 chia sẻ cởi mở những suy nghĩ về danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, những câu chuyện của bản thân và đồng đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đại úy Đỗ Khắc Trình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98 tự tin trình bày: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp tổ chức thành lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta, luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Chính sự gắn bó khăng khít, máu thịt ấy đã tạo tiền đề cho sự ra đời danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Điều đó đã được chứng minh ngay từ trong tên gọi. Không ngẫu nhiên mà có, tự nhiên mà thành, danh hiệu cao quý ấy có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển cùng lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự Việt Nam. Hình tượng người lính được nhân dân yêu mến gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau như anh Vệ quốc quân, "Bộ đội Ông Ké" và sau là Bộ đội Cụ Hồ”.
Lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân trao quà lưu niệm tặng Sư đoàn 316 và Trung đoàn 98. Ảnh: TRỌNG HẢI
Danh xưng Bộ đội Cụ Hồ không chỉ đơn thuần là một cụm từ gợi nhớ về lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và trách nhiệm của mỗi quân nhân đối với Tổ quốc.
Làm rõ hơn vấn đề này, Đại úy Nguyễn Văn Triệu, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 nhấn mạnh: “Trước hết, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ tạo cho mỗi quân nhân tinh thần trách nhiệm to lớn. Khi khoác lên mình bộ quân phục, chúng ta là những chiến sĩ cách mạng mang lý tưởng cao đẹp của Bác Hồ, sẵn sàng vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Điều này thúc đẩy tinh thần cống hiến, giúp mỗi cá nhân phấn đấu không ngừng nghỉ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đặc biệt, trong thời khắc khó khăn nhất, tinh thần Bộ đội Cụ Hồ lại tỏa sáng, là động lực thúc đẩy chúng ta vượt qua”.
Binh nhất Trần Minh Thảo, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 8 chia sẻ, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ mang ý nghĩa rất sâu sắc, giúp bộ đội vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Khi Đại tá Nguyễn Trung Đắc hỏi: "Nếu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà phải hy sinh, đồng chí có sẵn sàng không?". Không chút do dự, chiến sĩ Trần Minh Thảo đã trả lời quả quyết: “Là Bộ đội Cụ Hồ, nếu có phải hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, tôi luôn sẵn sàng!”.
Giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thấm sâu vào mỗi việc làm, hành động
Những giá trị cao đẹp của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ có ý nghĩa giáo dục, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm, trở thành nguồn động viên lớn lao để mỗi quân nhân phấn đấu vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ. Thượng úy Trần Mạnh Hùng, Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 98 chia sẻ một cách giản dị: “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cao quý nhưng không cao xa, khó thực hiện. Chúng tôi luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực ở đơn vị”.
Trong giai đoạn hiện nay, hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng ở mọi lúc, mọi nơi và trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Điển hình sau cơn bão số 3, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 316 đã tỏa ra khắp các địa phương, cùng bà con nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai, bão, lũ gây ra. Từ chỉ huy đến chiến sĩ xuyên đêm, băng rừng, vượt núi đến với nhân dân, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Có đồng chí đã tạm gác lại hạnh phúc trăm năm để giúp nhân dân sơ tán, di chuyển tài sản do bị ngập lụt như Thượng úy Tạ Đức Quí, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174. Có đồng chí nhà bị thiệt hại bởi bão, lũ nhưng vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ như đồng chí Nguyễn Đức Quyến, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98.
Trong quá trình hành quân lên Làng Nủ, đơn vị cơ động qua huyện Trấn Yên (Yên Bái), đồng chí Quyến bộc bạch với cán bộ: “Nhà em kia, đã bị ngập lên đến nóc rồi”. Cán bộ đơn vị đưa điện thoại để chiến sĩ Quyến gọi về động viên gia đình cố gắng khắc phục khó khăn: “Mẹ và gia đình cố gắng, trên đó bà con cần chúng con hơn, hết nhiệm vụ con về”. Hay như đồng chí Thào Mí Lình, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 trong quá trình tìm kiếm nạn nhân dưới bùn sâu bị đinh nhọn đâm vào chân rất nguy hiểm, phải về Bệnh viện Quân y 109 điều trị, trước khi rời đi, đồng chí đã rơi nước mắt vì không thể tiếp tục cùng đồng đội tìm kiếm nạn nhân.
Tham gia làm nhiệm vụ tiếp nhận thi thể người bị nạn đưa về bàn giao cho gia đình, Binh nhất Lương Tuấn Quang, chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 thành thực chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng sợ vì chưa bao giờ tiếp xúc với tử thi, nhưng nhìn bà con đau thương mong mỏi, chờ trông nên tôi cố gắng vượt qua tâm lý lo ngại, chỉ mong sao xoa dịu được phần nào nỗi đau của bà con Làng Nủ”.
Chứng kiến những việc làm ý nghĩa của bộ đội, đồng chí Lâm Phương Thuận, Bí thư Huyện đoàn Đoan Hùng (Phú Thọ) bày tỏ sự cảm phục đối với Bộ đội Cụ Hồ luôn đi đầu giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt, đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, cùng với bà con xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi bệnh tật, thắp sáng niềm tin. Nhân dân trên địa bàn huyện Đoan Hùng dành nhiều tình cảm trân trọng, quý mến đối với Bộ đội Cụ Hồ vì lẽ đó.
Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là kết tinh những giá trị cao đẹp được hình thành và lan tỏa gắn với lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QĐND Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, việc giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vừa là yêu cầu khách quan, vừa là mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nói chung và của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 nói riêng. Binh nhất Đặng Tòn Nhất, chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98 bày tỏ: “Việc giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là quá trình lâu dài, cần sự nỗ lực không ngừng của mỗi cá nhân. Mỗi quân nhân cần tự giác rèn luyện, phấn đấu để trở thành người chiến sĩ cách mạng, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng”.
Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trở thành biểu tượng cao đẹp, niềm tự hào của những quân nhân đứng trong hàng ngũ đội quân cách mạng. Đề cập đến vấn đề này, Thượng tá Bùi Cường Sơn, Chính ủy Trung đoàn 98 nhấn mạnh: “Những việc làm cụ thể của cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong thời gian qua phản ánh sinh động nét đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Mỗi hành động ý nghĩa của bộ đội thể hiện trách nhiệm và sự tri ân đối với nhân dân đã sinh ra mình. Đó là hạnh phúc của người chiến sĩ, như mạch nước ngầm chảy ra từ lòng đất trong veo, vô tận. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ mà cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam được nhân dân tôn vinh là một di sản hiếm có. Xin được góp tiếng nói từ thực tiễn ở đơn vị cùng các bài viết tham gia diễn đàn đăng trên Báo QĐND để khẳng định, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không chỉ riêng cá nhân tôi mà đông đảo cán bộ, chiến sĩ toàn quân, cũng như các cấp, các ngành, đặc biệt là nhân dân sẽ rất ủng hộ ý nguyện cao cả đó”.
Chia sẻ, đồng tình với các ý kiến phát biểu tại tọa đàm, Đại tá Lê Ngọc Long cho rằng, các ý kiến khẳng định: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ nhân dân trao tặng là một danh hiệu cao quý, giàu ý nghĩa nhân văn. Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là sự kế thừa, kết tinh những giá trị đạo đức, văn hóa tiêu biểu của con người Việt Nam; đồng thời là một giá trị văn hóa quân sự đặc sắc trong thời đại Hồ Chí Minh.
Cùng chung nhận định trên, Đại tá Nguyễn Trung Đắc nhấn mạnh: Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Đây là cơ sở quan trọng để kiến nghị, đề xuất cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.