|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy hiệu quả vai trò của Quân đội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật

Giai đoạn 1 (2021 - 2024) thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân (QĐND) tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” (Đề án 1371), Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 9, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án chặt chẽ, nghiêm túc.

Nhiều đơn vị, địa phương cụ thể hóa công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật với mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương được Bộ Quốc phòng chọn làm điểm triển khai Đề án 1371. Để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và thật sự đưa Đề án đi vào cuộc sống, Bộ CHQS tỉnh (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh) xác định việc khảo sát nhu cầu các nhóm đối tượng nhân dân, địa bàn dân cư để xác định nội dung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật phù hợp là khâu quan trọng đầu tiên. Với phương châm tuyên tuyền những nội dung pháp luật mà người dân cần, chứ không tuyên truyền những văn bản luật mà chúng ta có.

Mô hình tặng móc khóa Pháp luật có mã QR “ĐA-1371” của TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. 

“Khi xác định đúng đối tượng, chúng tôi xây dựng các mô hình hiệu quả để “mềm hóa”, đa dạng cách thức đưa pháp luật đến bà con như: “Tổ tuyên truyền pháp luật lưu động”, “Nghĩa tình quân dân vùng biên” của Phòng Chính trị; tặng móc khóa Pháp luật có mã QR “ĐA-1371” của TP Sa Đéc; “Phiên tòa lưu động”, “Phiên tòa giả định” của huyện Tam Nông; thành lập 12 nhóm Zalo của 12 huyện, thành phố với hơn 1.300 thành viên là cán bộ tư pháp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; hằng tuần Sở Tư pháp soạn, đăng tải “Một điều luật” ngắn gọn, dễ hiểu để tuyên truyền trong nhân dân”, Đại tá Nguyễn Việt Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp nêu cách làm.

Trên cơ sở quán triệt kế hoạch của Ban Chỉ đạo Đề án 1371 Quân khu 9, Sư đoàn 330 tổ chức các lớp tập huấn cho báo cáo viên; mở lớp bồi dưỡng tiếng đồng bào dân tộc Khmer cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, phối hợp Tòa án Quân sự Quân khu, Công an tỉnh An Giang PBGDPL cho các đối tượng. Đại tá Lê Công Hạnh, Chính ủy Sư đoàn 330 cho biết: “Qua mỗi đợt dân vận, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến bà con; tổ chức chiếu phim màn ảnh rộng; giao lưu văn hóa văn nghệ, tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa… qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, thắt chặt truyền thống tốt đẹp của đơn vị trong lòng nhân dân”.

Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) tổ chức Hội thi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa. 

Mỗi năm, Trường Quân sự Quân khu quản lý, đào tạo hơn 20 đối tượng, trong đó, GDQPAN gần 10.000 sinh viên và hơn 1.000 học viên ngành Quân sự cơ sở (QSCS). Nhà trường xác định, đây vừa là đối tượng vừa là chủ thể tích cực, năng động trong tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân. Đại tá Nguyễn Văn Vũ, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 9 cho biết: “Các nội dung pháp luật được chúng tôi lồng ghép vào bài giảng, sinh hoạt tập trung, kết hợp tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, tọa đàm trao đổi, hội thi tìm hiểu... Qua đó, tạo không khí sôi nổi, vui tươi, lành mạnh, góp phần xây dựng đời sống tinh thần, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho sinh viên. Với học viên ngành QSCS, nhà trường phát huy vai trò của truyền thanh nội bộ, tủ sách pháp luật, xây dựng, nhân rộng mô hình “Tiểu đội mẫu”, “Mỗi tuần một điều luật”,… góp phần đưa kiến thức pháp luật đi vào chiều sâu, đến từng học viên”.

Tỉnh Tiền Giang là địa phương có 2 huyện giáp biển, Bộ CHQS tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo phân công 49 cán bộ phụ trách 322 hộ gia đình ở 8 xã, thị trấn ven biển; cử gần 3.000 lượt đồng chí gặp gỡ gia đình kết hợp tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Biển Việt Nam… Đại tá Mai Văn Hòa, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang nêu biện pháp: “Chúng tôi còn phối hợp BĐBP tỉnh, Vùng Cảnh sát biển 3, Vùng 2 Hải quân, lực lượng chức năng tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam để mọi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nắm đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), làm chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc”.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 (2021-2024) thực hiện Đề án 1371 của Quân khu 9, Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng khẳng định: “Hiện nay 11/12 tỉnh, thành phố trên địa bàn, đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo Đề án của địa phương. Đây là sự thể hiện vai trò tham mưu hiệu quả của cơ quan, sự quan tâm, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong thực hiện Đề án. Ngoài kinh phí do Bộ Quốc phòng bảo đảm, các địa phương kịp thời lập dự toán, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND phân bổ hơn 7,1 tỷ đồng phục vụ thực hiện Đề án. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, xây dựng KVPT vững chắc; thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, QPAN tại các địa phương”.

Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Chính ủy Quân khu 9 trao Bằng khen tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 1371 giai đoạn 1 (2021-2024).

Giai đoạn 1 (2021-2024), các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu PBGDPL trực tiếp 26.935 cuộc, 1.903.708 lượt người tham gia; thi tìm hiểu pháp luật 163 cuộc, 71.435 lượt người tham gia; tài liệu PBGDPL được phát hành miễn phí 10.892 bản; 20.283 tin, bài được đăng trên các phương tiện thông tin, truyền thông; hình thức PBDGPL khác 28.601 cuộc, 3.473.995 lượt người tham gia.

“Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị phát huy hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc trong tham mưu, tổ chức thực hiện Đề án; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh, kịp thời khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án ở các cấp; gắn việc thực hiện Đề án với tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT, XH, chương trình, mục tiêu, đề án và Phong trào Thi đua Quyết thắng, cuộc vận động của các cấp, các ngành, địa phương, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo”, Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Chính ủy Quân khu khẳng định.


Tác giả: HỮU TÀI
Nguồn:qdnd.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật