Quy định chặt chẽ, bám sát thực tiễn, đảm bảo trật tự an toàn xã hội
Đó là một vài nhìn nhận về những điểm mới đáng chú ý của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 (sau đây gọi tắt là Luật) có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Riêng quy định tại các Điều 17, Điều 32 và khoản 1, Điều 49 của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025. Đối với quy định tại Điều 74 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026.
Theo đại tá Lê Thanh Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh), Luật có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý nhất là quy định 3 chế độ quản lý dao có tính sát thương cao gắn với mục đích sử dụng. Cụ thể, điểm d, khoản 2 Điều 2 Luật quy định dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng. Còn trong trường hợp sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ thì dao có tính sát thương cao được xem là vũ khí thô sơ.
Trong khi đó, dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày thì không được coi là vũ khí. Tuy nhiên, Luật quy định phải quản lý chặt chẽ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích vi phạm pháp luật.
Đại úy Cao Huy Vũ (trái) và trung úy Cao Trung Nghĩa, cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh) kiểm tra số vũ khí, công cụ hỗ trợ do các cá nhân, tổ chức giao nộp cho đơn vị trong năm 2024. Ảnh: N.C
Cụ thể, tại Điều 74 nêu rõ Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện từ ngày 1.1.2026. Các biện pháp này phải phù hợp thực tiễn, không gây cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân.
Luật cũng bổ sung các loại súng tự chế như súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng. Ngoài ra, quy định súng săn khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người cũng được xác định là vũ khí quân dụng (điểm d, khoản 2, Điều 2).
Bên cạnh đó, linh kiện cơ bản của các loại súng quân dụng bao gồm thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa cũng được xác định là vũ khí quân dụng (điểm đ, khoản 2, Điều 2). Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định khác.
Đại tá Lê Thanh Hà cho rằng, với nhiều quy định mới khá chặt chẽ, Luật đã khắc phục những lỗ hổng, tồn tại so với luật ban hành năm 2017. Đồng thời, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Theo luật gia Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), với việc phân định rõ theo mục đích sử dụng dao có tính sát thương cao, Luật vừa khắc phục được một số bất cập, vừa bám sát thực tiễn cuộc sống. Ví dụ trường hợp các đối tượng dùng dao để đâm, chém người, trước đây cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý hình sự đối với trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích, giết người.
“Tuy nhiên với luật mới, các đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao trong trường hợp trên còn có thể bị xem xét xử lý theo điều Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, trong đó mức phạt nhẹ nhất đã là từ 1 đến 7 năm tù. Như vậy, tính răn đe, trấn áp sẽ tăng lên, từ đó kéo giảm các loại tội phạm sử dụng súng tự chế, dao, rựa và các phương tiện tương tự”, luật gia Huỳnh Văn Chưa phân tích.