Siết chặt quản lý tàu cá, xử lý dứt điểm vi phạm IUU
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU lần thứ 9 tổ chức đầu tháng 2.2024, tỉnh Bình Ðịnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để cùng cả nước gỡ thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC).
Kiểm soát chặt chẽ
Tỉnh Bình Định hiện có 5.328 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên được đăng ký. Đến nay, có 4.775 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản (KTTS), chiếm 89,6% tổng số tàu cá đăng ký; trong đó, vùng bờ 875 tàu, vùng lộng 709/854 tàu, vùng khơi 3.191 tàu. Để quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá của tỉnh, cả 3 lực lượng, gồm: Chi cục Thủy sản, Ban quản lý các cảng cá, BĐBP phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập tại các trạm kiểm soát biên phòng, cảng cá; kiểm tra thiết bị giám sát hành trình (thiết bị VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải hoạt động bình thường từ lúc rời cảng, đến khi cập cảng; theo dõi chặt chẽ số lượng tàu cá không có giấy phép KTTS, chưa lắp đặt hoặc chưa bật thiết bị VMS xuất bến đi biển...
Cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Mũi Tấn theo dõi quản lý tàu cá trên hệ thống giám sát tàu cá. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ngư dân Phan Văn Điệp, ở phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu lưới vây ánh sáng BĐ 95757-TS, cho biết: Tàu cá khi đi biển phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục, giấy tờ theo quy định. Ngoài việc khai báo cho cảng cá, còn phải khai báo để Trạm kiểm soát biên phòng kiểm tra. Quan trọng nhất, trước khi đi biển, chúng tôi phải kiểm tra kỹ thiết bị VMS để duy trì hoạt động 24/24 đảm bảo đủ số lượng tin nhắn cập nhật về bờ theo quy định.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Luyến, ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn), chủ 4 tàu cá đánh bắt xa bờ, chia sẻ: Hầu hết ngư dân đều nắm bắt và tuân thủ quy định IUU. Những nỗ lực của tỉnh về chống khai thác IUU đem lại nhiều lợi ích cho ngư dân, khi gỡ được “thẻ vàng” EC thì thủy sản của Việt Nam sẽ xuất sang các thị trường lớn trên thế giới, tăng giá trị kinh tế sản phẩm thủy sản ngư dân khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân. Ngư dân còn ý thức bảo vệ môi trường biển bằng cách thu gom rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá để đưa về bờ xử lý.
Là địa phương có đội tàu nhiều nhất tỉnh, TX Hoài Nhơn không chỉ làm tốt việc tuyên truyền, kiểm soát tàu cá đánh bắt xa bờ để duy trì kết quả nhiều năm liền không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, mà còn tập trung quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động vùng ven bờ, vùng lộng.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, đến nay, thị xã đã cấp mã số quản lý 86 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 6 m, không cho phát sinh mới số lượng tàu cá hoạt động ven bờ; đồng thời, rà soát 272 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới
15 m chưa đăng ký, cấp phép lần đầu để đề xuất Sở NN&PTNT kiểm tra, cấp phép. Với những tàu đánh bắt xa bờ chưa đăng kiểm hoặc nằm bờ tạm ngừng hoạt động, thị xã giao Ban quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị TX Hoài Nhơn và Đồn Biên phòng Tam Quan Nam theo dõi chặt chẽ, không cho số tàu này ra khơi khi chưa đủ thủ tục.
Nhân viên cảng cá Quy Nhơn giám sát sản lượng thủy sản lên bến để xác nhận nguồn gốc. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Xử lý dứt điểm tàu cá vi phạm
Từ cuối năm 2023 đến nay, Trạm Kiểm soát biên phòng Mũi Tấn (thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn) đã kiểm tra, làm thủ tục cho 1.040 tàu cá xuất nhập bến; tổ chức 21 lượt/105 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát tàu cá hoạt động tại vùng bờ khu vực cửa biển Quy Nhơn, vùng biển cấm dọc đường Xuân Diệu, đầm Thị Nại.
Thượng úy Trần Đặng Bình Đạt, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Mũi Tấn, cho hay: Sau khi tàu cá làm thủ tục rời cảng cá Quy Nhơn sẽ đến cập cảng của đơn vị để chúng tôi kiểm tra các thủ tục liên quan, như đối chiếu thực tế lao động trên tàu có đúng với khai báo trong danh bạ thuyền viên, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng… Với tàu cập cảng sẽ kiểm tra niêm phong, kẹp chì của thiết bị VMS. Tất cả quy trình ngư dân đều tuân thủ, ngành chức năng cũng tạo thuận lợi, làm thủ tục nhanh chóng.
Tại các cảng cá, cùng với việc theo dõi, giám sát tàu cá ra vào cảng, việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cũng được thực hiện nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Văn, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định - phụ trách cảng cá Quy Nhơn, cho biết: Khi tàu cập cảng, ngư dân phải trình nhật ký hành trình có ghi sản lượng thủy sản khai thác theo từng loại sản phẩm. Sau đó, cảng cá sẽ cử người đến giám sát trực tiếp trong quá trình đưa sản phẩm lên bán. Thủy sản khai thác trên vùng biển hợp pháp, đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng là những quy định bắt buộc trong chống khai thác IUU để truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Dự kiến tháng 4.2024, Đoàn Thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam để thanh tra lần thứ 5. Đây cũng là thời điểm quyết định để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC trong năm 2024. Đáng ghi nhận, từ đầu năm đến nay, Bình Định không có trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu mất kết nối thiết bị VMS trên 10 ngày, đặc biệt không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm tỉnh đang triển khai là kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, ra vào cảng, đặc biệt xử lý dứt điểm tàu vi phạm IUU; trong đó, xử lý các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên thiếu giấy phép KTTS, tàu ngắt kết nối thiết bị VMS trên 6 tháng; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Chi cục cũng đang điều tra nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng để báo cáo Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá hoạt động KTTS vùng ven bờ, vùng lộng theo quy định 5 năm/lần.