A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng

Từ đầu tháng 4, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng vào cao điểm mùa khô trên địa bàn.

Năm nay, công tác này có sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị theo yêu cầu tại Quyết định số 4410/QĐ-UBND ngày 28.11.2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17.8.2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trên cơ sở đó, từ đầu năm 2024, các địa phương có diện tích đất lâm nghiệp đã ban hành kế hoạch, đề ra giải pháp và quán triệt, phổ biến, yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện.

Đa dạng phương án

Theo đánh giá của Huyện ủy Hoài Ân, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Dù vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 13-CT/TW có lúc có nơi vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một bộ phận người dân chưa có ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; vẫn còn cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên kiểm tra…

Bí thư Huyện ủy Hoài Ân Nguyễn Đặng Thị Thu Hòa cho biết: “Trên cơ sở Kết luận số 61-KL/TW, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Ân đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý của ban chỉ huy, các đoàn kiểm tra liên ngành từ huyện đến cơ sở. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và các chủ rừng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm tra, giám sát; ứng dụng khoa học - công nghệ…”.

Tại Phù Mỹ, từ đầu tuần này đến hết tuần sau, Đoàn Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn huyện về làm việc với UBND các xã có rừng và các chủ rừng về những nội dung liên quan công tác PCCCR, nhất là việc có thực hiện đúng kế hoạch, phương án về PCCCR đã đề ra hay không.

Theo ông Ngô Khánh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, Hạt đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với các xã hướng dẫn 144 chủ rừng nhóm I (hộ gia đình, cá nhân) lập phương án PCCCR trên diện tích được Nhà nước giao quản lý, sử dụng. Tham mưu UBND các xã kiện toàn 17 ban chỉ huy, 71 tổ bảo vệ rừng và PCCCR, lực lượng tham gia 783 người; ban hành 17 kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR năm 2024 và 17 phương án PCCCR giai đoạn 2024 - 2028. Tổ chức 4 đợt triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo vệ rừng và PCCCR đến tận các thôn, với 150 lượt người tham dự.

Tích cực chung tay

Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), qua báo cáo từ cơ sở, đến nay, hầu hết đơn vị, chủ rừng đã triển khai các biện pháp PCCCR; thường xuyên theo dõi cấp dự báo cháy rừng và tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, nhất là những vùng được dự báo có nguy cơ xảy ra cháy cao...

Nhằm giúp các địa phương chủ động giải pháp PCCCR, hằng ngày, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh thông báo những vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao trên nhóm Zalo chung của lãnh đạo các phòng chuyên môn, các hạt kiểm lâm và chủ rừng. “Thống kê từ đầu năm đến nay, có những ngày có đến 2 - 3 khu vực ở mức nguy cơ cháy cao nhất, nhưng nhờ xử lý kịp thời nên chưa xảy ra vụ cháy rừng nào”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lê Đức Sáu cho biết.

Bên cạnh đó, các hạt kiểm lâm phối hợp với chủ rừng, các ngành, hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tích cực đến tận nhà tuyên truyền trực tiếp cho số hộ sống gần rừng, người dân tộc thiểu số, các đối tượng thường xuyên vào rừng. Nội dung tuyên truyền tiếp tục được biên tập ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong một số tháng cao điểm, Ban Chỉ huy bảo vệ rừng - PCCCR các cấp sẽ ứng trực 24/24 giờ, đẩy mạnh công tác tuần tra và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là sử dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng, phần mềm phát hiện điểm cháy vệ tinh để phát hiện sớm cháy rừng (nếu có)…

So với rừng tự nhiên, rừng trồng nằm tiếp giáp khu dân cư có nguy cơ cháy cao hơn, do người dân đốt vàng mã ở những khu mộ nằm sát bìa rừng làm tàn tro bay lan xa, đốt thực bì, sấm sét lớn gây cháy nổ... Ở huyện Tuy Phước, địa phương có diện tích đất lâm nghiệp chủ yếu là rừng trồng, còn có nguyên nhân là hun khói để lấy tổ ong. Ông Lê Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước An, một trong hai xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất huyện Tuy Phước cho biết, khu vực được “quan tâm” nhiều nhất hiện nay là 3 thôn tiếp giáp với rừng, gồm: An Sơn 2, Ngọc Thạnh 1 và Quy Hội.

“Xã đã yêu cầu số hộ dân đốt thực bì phải báo cáo với chính quyền và có biện pháp phòng việc lửa cháy lan trước khi tiến hành đốt. Những người hun khói lấy mật ong phải tiến hành mọi việc hết sức cẩn trọng. Quá trình tuyên truyền, chính quyền và cán bộ kiểm lâm cũng lưu ý, nhắc nhớ bà con cách dập đám cháy nhỏ, hạn chế tình trạng lửa cháy lan…”, ông Chinh cho hay.


Tác giả: NGỌC TÚ
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật