Tổ quốc mãi ghi công
Bằng sự quyết tâm, kiên trì và tấm lòng của thế hệ hôm nay với người đã hy sinh, những tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” hay các di vật, kỷ vật đã được trao đến tận tay thân nhân gia đình các liệt sĩ với đầy ắp cảm xúc.
Trọn nghĩa tri ân
Trong tháng 11 vừa qua, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân gia đình 6 liệt sĩ trên địa bàn TX Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ và huyện Hoài Ân gồm: Nguyễn Liên (SN 1944, ở xã Hoài Mỹ, hy sinh năm 1964); Nguyễn Tống (SN 1941, ở xã Hoài Sơn, hy sinh năm 1969); Ngô Đình Hoàng (SN 1956, ở Ân Thạnh, hy sinh năm 1974); Nguyễn Cường (SN 1925, ở xã Hoài Hảo, nay là xã Hoài Phú, hy sinh năm 1949); Trịnh Phước (SN 1936, ở xã Hoài Hảo, nay là xã Hoài Phú, hy sinh năm 1966) và Nguyễn An (SN 1946, ở xã Mỹ Cát, hy sinh năm 1966).
Có mặt tại buổi lễ, gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (61 tuổi, ở xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) -cháu gọi liệt sĩ Nguyễn Liên (Ngọc) bằng chú ruột, rất xúc động và tự hào. Bà Xuân chia sẻ rằng, mấy chục năm qua, bà vẫn luôn tin tưởng đến một ngày chú mình sẽ được công nhận là liệt sĩ. Trong suy nghĩ của bà, Tổ quốc không bao giờ quên những người đã ngã xuống cho sự bình yên của đất nước. “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm nên chú tôi cũng được suy tôn là liệt sĩ. Đó là niềm vinh dự lớn lao của gia đình”, bà Xuân nói.
Theo cán bộ Ban Chính sách (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh), sau giải phóng, cha mẹ liệt sĩ Liên đều mất, đơn vị giải thể, giấy tờ liên quan đến liệt sĩ thì không còn. Bên cạnh đó, gia đình cũng chưa xác định được đồng đội cùng chiến đấu với liệt sĩ là ai, vị trí chính xác địa điểm chôn cất liệt sĩ khi hy sinh. Vì vậy, việc hoàn thiện hồ sơ để suy tôn liệt sĩ và cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” là nỗ lực rất lớn của Bộ CHQS tỉnh cùng các ngành, địa phương.
Những chiến sĩ đã nằm xuống lòng đất mẹ hàng chục năm nay mới được công nhận là liệt sĩ. Với thân nhân gia đình các liệt sĩ, xen lẫn trong nỗi xúc động khi người thân được suy tôn còn là niềm vui khôn tả. Ông Nguyễn Văn Xuân (64 tuổi, ở xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) - em trai liệt sĩ Nguyễn An bày tỏ: “Việc anh tôi được công nhận là liệt sĩ là sự ghi nhận, là trách nhiệm của Tổ quốc với những người hy sinh xương máu cho đất nước”.
Trực tiếp dự và trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân gia đình các liệt sĩ, đại tá Thân Trọng Minh, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, khẳng định: “LLVT tỉnh sẽ tiếp tục cố gắng hơn, quyết tâm hơn và đồng lòng phối hợp hơn nữa để thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và gia đình người có công nói chung và việc giải quyết hồ sơ tồn đọng nói riêng dù rằng việc này ngày càng khó khăn hơn”.
Đại diện Bộ CHQS tỉnh trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Liên (Ngọc), ở xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn. Ảnh: H.P
Kỷ vật liệt sĩ về với gia đình
Cũng trong tháng 11, sau chiến tranh mấy mươi năm, những di vật, kỷ vật của 4 chiến sĩ quê ở Bình Định đã trở về với thân nhân, gia đình.
Di vật, kỷ vật có thể là những bức thư, cuốn sổ tay, cuốn nhật ký, tấm ảnh của các chiến sĩ để lại… nhưng chứa nhiều giá trị thông tin, gắn bó trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, tham gia chiến đấu và hy sinh. Những di vật, kỷ vật được trao trả cho gia đình liệt sĩ mang giá trị hiện thân, tượng trưng như liệt sĩ trở về.
Nhận tập kỷ vật của chú ruột là liệt sĩ Võ Đăng Mậu, bà Võ Thị Diện (64 tuổi, ở xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) không nén được xúc động. Đôi mắt bà Diện đỏ hoe. “Tuy tôi sinh ra đã không được biết mặt chú, nhưng khi nhìn vào những bức ảnh đen trắng vẫn nhận ra được chú. Vì chú rất giống cha tôi. Tôi rất cảm kích trước tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quân đội đã miệt mài, tích cực tìm kiếm, xác minh thông tin, lưu trữ kỷ vật để bàn giao di vật, kỷ vật cho gia đình”, bà Diện bùi ngùi chia sẻ.
Có mặt tại buổi lễ, chúng tôi được hòa vào nhiều cảm xúc lắng đọng khi chứng kiến các di vật, kỷ vật được về với gia đình, thân nhân. Ông Trần Hữu Lộc (50 tuổi, ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) bày tỏ: “Hôm nay, được nhận lại những kỷ vật mà bác để lại (liệt sĩ Trần Hiệu - PV), tôi rất xúc động và tự hào. Những kỷ vật này vô giá, gia đình tôi sẽ lưu giữ cẩn thận, xem như bác vẫn hằng ngày bên cạnh gia đình”.
Đại tá Dương Văn Bảo, Phó trưởng Phòng Thương binh liệt sĩ - Người có công (Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam) cho rằng: “Việc đưa di vật, kỷ vật về với gia đình các liệt sĩ thể hiện tình cảm, tấm lòng và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người có công với cách mạng, vì độc lập dân tộc”.