A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự lực, chủ động, kịp thời, tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân chủng lần thứ III và chấp hành nghiêm mệnh lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng cơ động của Tổng Tham mưu trưởng, ngày 6-7-1964, toàn Quân chủng Hải quân chuyển sang chế độ thời chiến. Các phòng, ban chức năng chuyên ngành kỹ thuật được Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ: Tập trung sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng tàu chiến đấu luôn ở trạng thái sẵn sàng cơ động cao nhất; tổ chức nghiên cứu, cải tiến, lắp đặt vũ khí để tăng cường hỏa lực cho các tàu chiến đấu K210A.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Hải quân, Phòng Sửa chữa tàu, Phòng Quân giới kết hợp với Xưởng 46 tổ chức triển khai phương án thay lắp pháo mới cho tàu có tải trọng 79 tấn để tăng cường hỏa lực đánh trả máy bay và tàu chiến Mỹ. Cụ thể là thay 2 vị trí pháo 40mm một nòng ở mũi và lái tàu bằng pháo 37mm hai nòng có tốc độ bắn nhanh và chính xác hơn; thay 2 vị trí pháo mạn 20mm một nòng bằng súng 14,5mm hai nòng; lắp pháo bắn thẳng không giật DKZ-82 ở phía sau đài chỉ huy để bắn tàu địch ở cự ly gần.

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật còn lắp thêm giá phóng bom chìm ở phía lái tàu; cải tạo lại khoang đạn, giá đựng đạn và giá nâng đạn lên boong tàu bằng hệ thống cơ khí; lắp thùng đạn thường trực trên mặt boong cho pháo 37mm và 14,5mm. Nhiệm vụ thi công, lắp ráp được giao cho Xưởng 46. Chỉ sau một thời gian ngắn, toàn bộ số tàu 79 tấn đã được thay lắp vũ khí mới. Tổng số súng pháo thay lắp trên các tàu 79 tấn là 120 khẩu, 24 giá bom chìm, số súng pháo 20mm trên các tàu 79 tấn được đưa lên bờ bảo quản, sửa chữa, sau đó được lắp đặt cho các tàu của lực lượng dân quân tự vệ biển thuộc Đoàn tàu đánh cá Hạ Long và Công ty Vận tải biển, Cục Đường biển.

Việc thay lắp súng pháo cho các tàu tuần tiễu và ca nô chiến đấu, lắp pháo cho tàu thuyền của lực lượng tự vệ biển và tổ chức bảo quản, sửa chữa đồng bộ trang bị kỹ thuật đã góp phần bảo đảm cho Quân chủng hiệp đồng với quân dân ta Chiến thắng trận đầu trong các ngày 2 và 5-8-1964.

Công tác bảo đảm vật tư luôn được ngành kỹ thuật quan tâm kịp thời: Năm 1964 mua sắm 2.121 tấn vật tư, tăng 154% so với năm 1963, đặc biệt một số vật tư trước đây được các nước tài trợ như một số phụ tùng máy móc, hóa chất, dụng cụ đo kiểm... nay các nhà máy trong nước và hợp tác xã cơ khí đã tự sản xuất được một phần nên đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của Quân chủng.

Kinh nghiệm về bảo đảm kỹ thuật cho tàu thuyền, vũ khí trang bị (VKTB) làm nhiệm vụ chiến đấu ngày 2 và 5-8-1964 đã được các phòng, ban chức năng chuyên ngành kỹ thuật làm việc rất khẩn trương; phối hợp chặt chẽ với các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài quân đội để sửa chữa, nâng cấp, bảo dưỡng. Những bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Để tiếp tục phát huy và nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng Hải quân nói chung, ngành kỹ thuật nói riêng xác định cần phải tập trung thực hiện đồng bộ, thực chất, hiệu quả các nội dung công tác kỹ thuật, trong đó xác định một số giải pháp chính sau:

Một là, tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác kỹ thuật, xác định: “Con người và TBKT là hai yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh của Quân đội, trong đó con người là yếu tố quyết định”; triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chương trình, nghị quyết của trên về công tác kỹ thuật, nhất là Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo...

Hai là, Tập trung xây dựng, tạo nguồn cán bộ, nhân viên kỹ thuật có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao; xác định đây là yếu tố then chốt cả hiện tại và lâu dài. Chính vì vậy, bên cạnh xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải có trình độ chuyên môn; kỹ năng thực hành, năng lực thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi ở tất cả các chuyên ngành; kịp thời cập nhật kiến thức cơ sở, kiến thức chuyên ngành của các loại VKTB mới, trọng tâm là các chuyên ngành đặc chủng Hải quân để đưa vào các chương trình đào tạo, huấn luyện. Phấn đấu 100% cán bộ có trình độ đại học, sau đại học; nhân viên kỹ thuật có bậc trình độ tương ứng, làm chủ vững chắc trang bị kỹ thuật …

Huấn luyện làm chủ trang bị kỹ thuật ở Nhà máy X52, Cục Kỹ thuật. Ảnh: VŨ HƯỞNG

Ba là, tiếp tục củng cố, đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở sửa chữa, hệ thống kho tàng, trong đó ưu tiên đẩy nhanh thực hiện các nội dung, chương trình mục tiêu đề án… nhằm duy trì hệ số kỹ thuật cho trang bị, nhất là trang bị kỹ thuật thế hệ mới, quý hiếm; đẩy nhanh và hoàn thành các chương trình, dự án nâng cấp khôi phục, cải tiến, cải hoán, hiện đại hóa, sửa chữa nhằm khôi phục, nâng cấp, tăng hạn, bảo đảm số lượng tàu, VKTB hiện có theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả.

Bốn là, nghiên cứu phương thức bảo đảm kỹ thuật cho VKTB mới, công nghệ cao. Thực hiện phương thức bảo đảm kỹ thuật theo phân cấp, đồng thời sử dụng các phương thức bảo đảm kỹ thuật theo vòng đời đối với một số chủng loại trang bị kỹ thuật mới đồng thời nghiên cứu đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, mức độ hủy diệt lớn, chiến trường bị phong tỏa, chia cắt; thực hiện phương châm bảo đảm kỹ thuật ‘‘Chủ động, độc lập, kịp thời, đồng bộ, vững chắc, sử dụng lực lượng phương tiện tại chỗ là chính”.

Năm là, tổ chức huấn luyện kỹ thuật đúng phương châm, sát phương án, đối tượng tác chiến, chiến trường, tổ chức, biên chế, VKTB, tập trung huấn luyện khai thác, làm chủ trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao nhằm khai thác tối ưu tính năng các loại trang bị kỹ thuật. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Cuộc vận động 50 gắn với thực hiện 2 đột phá công tác kỹ thuật “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ trang bị kỹ thuật”, trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các nội dung đột phá về công tác kỹ thuật; đẩy mạnh xây dựng ‘‘Tàu chính quy, mẫu mực”, kho trạm chính quy an toàn; rà soát bổ sung các quy tắc, quy định chế độ công tác kỹ thuật,

Sáu là, đẩy mạnh và triển khai ứng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ huy - điều hành công tác kỹ thuật theo hướng chính quy, hiện đại, đồng bộ, thông suốt từ cơ quan, đơn vị đến các lực lượng, các quân - binh chủng; trong đó tập trung vào hiện đại hóa hệ thống, phương tiện chỉ huy, bảo đảm kịp thời, chính xác, linh hoạt, hiệu quả; tự động hóa các quy trình từ chỉ đạo, hướng dẫn, đến xử lý, giải quyết các nội dung trong thực hiện bảo đảm kỹ thuật. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nội địa, công nghệ tự chủ vào sản xuất, chế tạo vật tư thay thế, các tổ hợp VKTB đặc chủng; nâng cao khả năng tự chủ trong bảo đảm kỹ thuật, giảm phụ thuộc vào nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên môn.


Tác giả: Đại tá ĐỖ QUỐC ÂN, Chủ nhiệm Kỹ thuật Hải quân
Nguồn:qdnd.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật