A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số mức xử phạt liên quan thư rác, tin nhắn rác

(binhdinh.gov.vn)-Thư điện tử ngày càng giữ vai trò quan trọng trong công việc, trao đổi hàng ngày. Bên cạnh những tính năng gửi, nhận thư của đối tác, đồng nghiệp, bạn bè, người thân, người dùng thường gặp những rắc rối đối với vấn đề thư rác, nguy hiểm hơn khi các thư rác này do tin tặc gửi đến, cài mã độc để đánh cắp thông tin, tài khoản của người dùng. Nhằm đảm bảo an toàn thư điện tử của người dùng, Chính phủ có Văn bản quy định về chống thư rác, đó là Nghị định số 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP.

Tin nhắn rác là tin nhắn mà người nhận không mong muốn được nhận.

Theo đó, Nghị định gồm 5 chương 46 điều, quy định về chống thư rác; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan tới dịch vụ trao đổi thư điện tử và tin nhắn tại Việt Nam. Trường hợp Điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động chống thư rác mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

Trong Nghị định quy định thư rác (spam) là thư điện tử, tin nhắn được gửi đến người nhận mà người nhận đó không mong muốn hoặc không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật. Theo đó, các tổ chức, cá nhân liên quan cần lưu ý: Đối với thư điện tử quảng cáo, chủ đề phải phù hợp với nội dung và nội dung quảng cáo phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo; Thư điện tử quảng cáo phải được gắn nhãn và có thông tin về người quảng cáo theo quy định; Trường hợp sử dụng dịch vụ quảng cáo phải có thêm thông tin về nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo và có chức năng từ chối quảng cáo.

Một dịch vụ quảng cáo phù hợp luôn có chức năng "Từ chối nhận thư".

Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo, có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng; Vi phạm các quy định về cung cấp dịch vụ có thể bị phạt lên đến 80 triệu đồng; Vi phạm các quy định về giá cước, phí, lệ phí có thể bị phạt lên đến 10 triệu đồng. Nếu vi phạm các quy định về an toàn, an ninh thông tin thì số tiền bị phạt lên đến 20 triệu đồng.

Ngoài các hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân còn có thể bị áp dụng một hay nhiều hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Thu hồi mã số quản lý; Buộc thực hiện đúng các quy định của Nhà nước đối với các vi phạm; Buộc hoàn trả kinh phí chiếm dụng, thu sai. Thậm chí là tạm đình chỉ từ một tháng đến ba tháng hoặc đình chỉ vĩnh viễn hoạt động quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn do vi phạm./.

T.T.T

 


Tin nổi bật Tin nổi bật