A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Bình Định sẵn sàng chuyển đổi số

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha.

Ông Kha cho biết: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bình Định sẽ phát triển chính quyền số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền phục vụ người dân; phát triển kinh tế số chiếm 10% tổng sản phẩm địa phương (GRDP). Phát triển xã hội số, trong đó hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

● Chuyển đổi số đang là giải pháp được nhắc đến nhiều nhất hiện nay, xu thế tất yếu của DN. Vậy, chuyển đổi số mang lại những lợi ích gì cho người dân và tổ chức, DN, thưa ông?

- Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là một chủ trương lớn, quan trọng, định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước. Chuyển đổi số là để xây dựng nền kinh tế số. Khác với quá trình tin học hóa - đơn giản là quá trình tạo ra dữ liệu, chuyển đổi số là quá trình xử lý dữ liệu đó ở mức độ tổng hợp cao, tốc độ cực nhanh dựa trên ứng dụng công nghệ mới; đồng thời, khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị nhất định trong hoạt động của tổ chức, DN.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, DN trong cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận khách hàng hiệu quả, chỉ đạo và điều hành nhanh và chính xác. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động, tính cạnh tranh và khả năng phát triển của tổ chức, DN được nâng cao.

● UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, theo đó các ngành, địa phương, DN chuẩn bị những điều kiện gì?

- Trước hết, cần đổi mới tư duy, nhận thức về chuyển đổi số. Người đứng đầu sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và DN về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, ngành. Nghiên cứu, khuyến khích người dân, DN sử dụng, cung cấp dịch vụ số trên địa bàn tỉnh.

Tiếp đến là phát triển hạ tầng số. DN viễn thông xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh, ưu tiên phát triển tại cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện. Khuyến khích DN viễn thông thí điểm và nhân rộng phát triển mạng 5G tại các thị xã, thành phố. Phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT).

Phát triển hạ tầng dữ liệu gồm xây dựng kho dữ liệu dùng chung để cung cấp dữ liệu phục vụ công tác điều hành, quản lý và khai thác trực tiếp giúp xây dựng các ứng dụng mới; triển khai có hiệu quả các nền tảng số dùng chung như nền tảng định danh và xác thực điện tử quốc gia, trao đổi định danh và xác thực điện tử, thanh toán điện tử…

Nhân rộng, phát triển các dịch vụ của đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước.

● Việc triển khai chuyển đổi số sẽ được tiến hành như thế nào?

- Quan trọng là thay đổi tư duy, nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Tiếp đến là phát triển chính quyền số ở mỗi đơn vị để dẫn dắt chuyển đổi số theo từng lĩnh vực; phát triển DN số thực thụ. Việc chuyển đổi số sẽ ưu tiên một số lĩnh vực: Y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, tài nguyên và môi trường, du lịch, thông tin, báo chí.

Tuy nhiên, việc cần làm trước tiên là phải thay đổi về tư duy, nhận thức, đặc biệt là người đứng đầu; thay đổi thói quen bảo thủ, lạc hậu, ngại thay đổi về công nghệ - đây cũng là vấn đề khó khăn. Ngoài ra, còn khó khăn thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao; tỷ lệ DN, người dân hiểu biết, sử dụng công nghệ cao còn thấp; việc triển khai các chủ trương, chính sách mới chưa thực sự quyết liệt và đồng bộ.

● Trước những khó khăn đó, Sở TT&TT có giải pháp gì để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số?

- Giải pháp rất quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình chuyển đổi số, cũng như kết quả thực hiện chuyển đổi số của tỉnh; tổ chức các khóa đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, nền tảng triển khai Chính quyền điện tử cấp tỉnh (LGSP)… Triển khai các ứng dụng công nghệ số để nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân; phổ biến kiến thức về sử dụng công nghệ số, mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm thành công của những DN nhờ mô hình kinh doanh sáng tạo với công nghệ số; xây dựng đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh.

● Xin cảm ơn ông!

Theo baobinhdinh.vn

 


Tin nổi bật Tin nổi bật