Chiều 26.10, ông
Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để triển khai công tác ứng phó với
bão số 9 (bão Molave).
Mùa mưa lũ dị thường ở miền Trung: Nỗi thống khổ chưa hồi kết |
Cưỡng chế người ở trên tàu thuyền lên bờ
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, đến sáng 26.10, tỉnh này có 139 tàu cá trong vùng biển nguy hiểm của bão số 9. Số lượng tàu cá tỉnh Bình Định đang hoạt động tại vùng biển
Hoàng Sa có 5 tàu, vùng biển Trường Sa 256 tàu, khu vực giữa Hoàng Sa - Trường Sa 62 tàu.
Tại khu vực vịnh Quy Nhơn có 76 tàu vận tải đang hoạt động. Tại khu vực cảng Quy Nhơn có 13 tàu lai (thuộc Công ty CP Cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH VTB Cửu Long) có khả năng tham gia công tác ứng phó thiên tai.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn có 210 ha lúa đang thu hoạch, 1.051 ha nuôi tôm nước, 210 ha nuôi tôm thâm canh, 2.750 lồng nuôi cá nước mặn tại TP.Quy Nhơn…
Ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, cho biết đơn vị này đã làm việc với các
tàu vận tải biển hoạt động ở vịnh Quy Nhơn, yêu cầu đưa tàu vào vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa để tránh bão. Kết quả, đến chiều 26.10, tại
vịnh Quy Nhơn còn lại 47 tàu vận tải biển.
Theo ông Quang, Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn sẽ tiếp tục vận động, yêu cầu các tàu đi vào vùng biển phía nam của vịnh Quy Nhơn để tránh bão. Trước khi bão đổ bộ, khu vực vịnh Quy Nhơn sẽ còn 30 tàu vận tải neo đậu trú bão tại đầm Thị Nại.
Tàu hàng Nam Khánh mắc cạn tại vùng biển Bình Định |
Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kêu gọi các tàu cá ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 9, đến nơi an toàn. Dứt khoát không được để tàu cá nào nằm trong vùng tâm bão. Đối với các tàu đã vào bờ phải bố trí neo đậu an toàn, tránh va đập kho có bão.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, tại khu vực đầm Thị Nại chỉ đủ sức cho 30 tàu vận tải biển vào neo đậu an toàn, nếu nhiều hơn sẽ không đủ chỗ và dễ xảy ra va quẹt gây hư hỏng. Do đó, Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn phải tiếp tục làm việc, đấu tranh với các chủ tàu, yêu cầu các tàu đi vào vùng biển phía nam vịnh Quy Nhơn để tránh bão.
“Khi bão số 9 đổ bộ, không để bất kỳ người nào trên tàu, kể cả trên tàu cá và tàu hàng, bắt buộc đi lên bờ hết để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra”, ông Hồ Quốc Dũng cương quyết.
Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu thực hiện lệnh cấm biển từ 17 giờ ngày 26.10.
Bão số 9 sẽ càn quét miền Trung, sẵn sàng sơ tán 1,2 triệu người |
Sơ tán dân trong ngày 27.10
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng và người dân không được chủ quan trong việc
đối phó với bão số 9. Đồng thời, ông Dũng yêu cầu các huyện miền núi, các địa phương có điểm xảy ra sạt lở, khu vực biển bị ảnh hưởng triều cường… phải rà soát, di dời người dân sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trong ngày 27.10. Nếu hộ nào không chịu di dời thì phải cưỡng chế.
Ông Hồ Quốc Dũng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải đi kiểm tra, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, các cơ quan, trường học… Kêu gọi người dân
dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để đối phó với mưa bão dài ngày, chấm dứt tình trạng “sáng mưa, chiều ngập, tối kêu cứu”. Các lực lượng
quân sự, biên phòng, công an lên phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 9, bố trí lực lượng tại các địa phương trong tỉnh để sẵn sàng đối phó khi có tình huống xảy ra.
Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cho học sinh trên địa bàn nghỉ học từ chiều 27.10 cho đến khi có thông
báo mới. Từ ngày 27.10, các cơ quan, đơn vị ở Bình Định sẽ dừng tất cả các cuộc họp để lo ứng phó với bão số 9.
Bão số 9 gió giật cấp 17, trở thành cơn cuồng phong rất nguy hiểm |