Sáng 16.9 (tức ngày 29.7 Âm lịch), Bí thư Tỉnh ủy
Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cùng nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh này đã dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (thuộc Bảo tàng Quang Trung, ở H.Tây Sơn, Bình Định) nhân dịp 228 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung -
Nguyễn Huệ (1792 - 2020).
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch
Covid-19 nên lễ tưởng niệm ngày mất
Hoàng đế Quang Trung được tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo sự tôn nghiêm, thành kính.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng (giữa) dâng hương trước Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt |
Lễ dâng hoa trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung |
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Hoàng đế
Quang Trung là một thiên tài
quân sự của
Phong trào nông dân Tây Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Quang Trung, đoàn quân Tây Sơn đã lập những chiến công vang dội trước quân xâm lược Xiêm La ở Rạch Gầm-Xoài Mút, chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh (
Trung Quốc) xâm lược vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789…
Tuy nhiên, khi sự nghiệp của nhà Tây Sơn ngày càng lớn mạnh thì Hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà khi vừa tròn 39 tuổi, lứa tuổi tràn đầy sinh lực, khả năng cống hiến. Người mất đi trong sự tiếc thương của thần dân trong nước, bao nhiêu kỳ vọng dành cho dân, cho nước đành dang dở.
Người dân đến dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung |
Giếng nước cổ trước Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, tương truyền có từ thời nhà Tây Sơn |
Cụ Nguyễn Thị Hường dâng hương trước Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt |
Cụ Nguyễn Thị Hường (89 tuổi, ở TT.Phù Phong, H.Tây Sơn) cho biết vào các ngày tết, ngày rằm, mùng một hằng tháng, ngày sinh hay ngày mất của Hoàng đế Quang Trung đều được người dân địa phương ghi nhớ, cùng nhau đến
Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt dâng hương và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia đình bình yên…
“Phong tục từ xưa để lại, đến ngày mất của Hoàng đế Quang Trung, người dân chúng tôi đều mang bánh ít, trái cây, các sản vật do gia đình mình làm ra… đến Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt để cúng ngài. Còn tại nhà thì đơm bánh, trái cây lên bàn thờ như cúng gia tiên. Chúng tôi tin rằng vùng đất Tây Sơn luôn được sự che chở, phù hộ của ngài”, cụ Hường nói.