A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mất hơn 1.000 tỉ đồng do mưa bão, Bình Định rất đề phòng bão số 13

Để đối phó bão số 13, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương của tỉnh rà soát phương án sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở đất, kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Chiều 13.11, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống bão số 13.

Bão số 13 gây gió giật cấp 17, sóng biển cao 11 mét

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão số 13 để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Đồng thời, tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng, khu neo đậu, bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát phương án sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, nhất là tại khu vực miền núi và kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ sạt lở gây chia chia cắt.
Mất hơn 1.000 tỉ đồng do mưa bão, Bình Định rất đề phòng bão số 13 - ảnh 1

TP.Quy Nhơn (Bình Định) bị ngập nặng sau bão số 12

ẢNH: NGUYỄN DŨNG

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ sạt lở đất tại các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão…
Trong đó, tại H.Vĩnh Thạnh, tuyến đường từ TT.Vĩnh Thạnh đi xã Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Thạnh) có 16 điểm bị sạt lở, chia cắt, trong đó có 10 điểm sạt lở lớn ở xã Vĩnh Kim (H.Vĩnh Thạnh) khiến đất đá tràn qua đường. Tối 11.11, mưa lớn tiếp tục gây sạt lở tại 2 điểm trên tuyến đường này. Những ngày qua, lực lượng chức năng đã cử lực lượng, phương tiện đến san lấp đất đá, khắc phục các điểm sạt lở để người dân đi lại an toàn.
UBND xã Vĩnh Kim phải lên phương án tổ chức di dời 8 hộ (25 nhân khẩu) ở thôn K6, 15 hộ (62 nhân khẩu) ở thôn O5 và 10 hộ (30 nhân khẩu) ở thôn Đắk Tra đến nơi an toàn.
Tại H.An Lão cũng xảy ra nhiều điểm sạt lở trên tuyến đường từ xã TT.An Lão đi xã An Toàn và tuyến đường độc đạo tại TT.An Lão đi xã An Vinh. UBND H. An Lão đã lên danh sách 850 hộ dân ở vùng nguy hiểm cần sơ tán khi có mưa bão.
Ngày 12.11, UBND H.An Lão phải di dời khẩn cấp 5 hộ dân (ở thôn 1, xã An Dũng) đến nơi an toàn. Những ngày qua, mưa lớn khiến 50 m mái ta-luy dương ở khu tái định cư hồ Đồng Mít (thuộc thôn 1, xã An Dũng) bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá đổ xuống vùi lấp một số chuồng trại chăn của người dân.

Người Quy Nhơn không kịp trở tay vì lũ lớn: "Thức trắng đêm luôn"

Thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng vì mưa bão

Ngày 13.11, UBND tỉnh Bình Định cho biết chưa đầy 15 ngày, tỉnh này bị ảnh hưởng bởi 3 đợt mưa bão khiến 23 người mất tích trên biển, 19 người trên đất liền bị thương, gây thiệt hại ước tính hơn 1.043 tỉ đồng.

Mất hơn 1.000 tỉ đồng do mưa bão, Bình Định rất đề phòng bão số 13 - ảnh 2

Tuyến QL19C bị hư hỏng sau đợt bão số 12

ẢNH: BẢO THOA

Trong đó, cơn bão số 9 (ngày 28.10) gây thiệt hại gần 500 tỉ đồng, 2 cơn bão số 10 (ngày 6.11) và bão số 12 (ngày 10.11) thiệt hại gần 543 tỉ đồng. Cụ thể, 3 đợt mưa bão làm 75 nhà sập, 5.673 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 13.829 nhà ngập nước. Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn có nhiều đoạn đường giao thông bị sạt lở, 12 chiếc cầu và 26 cống hư hỏng, 4 tàu cá bị chìm…

Tại cuộc họp bàn triển khai công tác ứng phó bão số 13 vào sáng 13.11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác ứng phó với bão, mưa lũ lớn, nhất là đối với việc xử lý tình trạng sạt lở, di dời các hộ dân sinh sống ở vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Tin nổi bật Tin nổi bật