Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh họp phiên thứ 2
(binhdinh.gov.vn) - Sáng 23/4, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo về phát triển Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và các thành viên Ban chỉ đạo.
Quang cảnh phiên họp
Tại phiên họp, Ban chỉ đạo đã nghe và cho ý kiến đối với các dự thảo kết quả thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng 3-4/2025, các nhiệm vụ trọng tâm về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới; dự thảo sửa đổi Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, quy chế làm việc; thông báo điều chỉnh nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo; dự thảo quyết định thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; dự thảo kế hoạch hành động của địa phương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Bổ sung Chương trình hành động số 32 của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 57); dự thảo Kế hoạch triển khai phong trào Bình dân học vụ số trên địa bàn tỉnh; Chương trình công tác chuyển đổi số trong các cơ quan đảng năm 2025 của Ban Chỉ đạo.
Đáng chú ý, phiên họp đã tập trung thảo luận, phân tích, đóng góp ý kiến đối với dự thảo 2 đề án “căn cơ” đối với việc phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đó là: Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Bình Định và Đề án phát triển giáo dục STEM trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2025-2030.
Theo dự thảo Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn, an ninh mạng, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đào tạo 2.500 kỹ sư, kỹ sư thực hành và đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho 1.500 lao động lĩnh vực công nghiệp bán dẫn; lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, an toàn, an ninh mạng đào tạo 2.500 cử nhân, kỹ sư thực hành và đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho 1.000 lao động. Bên cạnh đó đầu tư xây dựng 1 phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn. Đề án cũng đề ra các giải pháp triển khai, chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài, sinh viên tham gia chương trình này với tổng kinh phí dự kiến khoảng hơn 943 tỉ đồng.
Đối với Đề án phát triển giáo dục STEM, mục tiêu hướng đến là xây dựng hệ sinh thái giáo dục STEM tại các trường phổ thông tỉnh Bình Định, tạo môi trường học tập sáng tạo, thực tiễn để phát triển năng lực học sinh và giáo viên, góp phần tăng tỉ lệ học sinh theo học các ngành công nghiệp chiến lược của tỉnh như bán dẫn, AI, an ninh mạng, công nghệ sinh học và vật liệu mới. Đề án dự kiến xây dựng 1 Trung tâm STEM-Lab cấp tỉnh; hình thành 405 phòng STEM-Lab cho 405 trường phổ thông; Trang bị 22 bộ thiết bị STEM dùng chung (11 bộ dùng cho học sinh THCS và 11 bộ dùng cho học sinh THPT), phục vụ cho 200 câu lạc bộ tại 147 trường THCS và 53 trường THPT công lập toàn tỉnh. Bắt đầu từ năm học 2025 – 2026, tỉnh tiến hành giáo dục STEM tại 35 trường trong đó triển khai cho 100% học sinh được học STEM cơ bản, 5% học sinh có năng khiếu, đam mê tham gia học tập STEM nâng cao. Bắt đầu từ năm học 2026-2027, nhân rộng cho 100% các trường công lập còn lại….
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (người đứng) phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã làm rõ thêm các nội dung liên quan tới 2 đề án này và cho biết, tỉnh đã nghiên cứu rất kỹ các cơ chế, chính sách, điều kiện cụ thể theo đặc thù của tỉnh Bình Định so với các địa phương khác để xây dựng khung chính sách triển khai 2 đề án. Trong đó, đề án giáo dục STEM là cái gốc để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do đó cần phải phổ cập giáo dục STEM cho học sinh toàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh các công việc liên quan để nâng cấp Trung tâm ICISE thành Trung tâm khoa học có tầm quốc gia trong nghiên cứu Khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng để chuyển giao. Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung triển khai nhanh đề án cơ sở dữ liệu đất đai và đề án 06. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ triển khai đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) cho đội ngũ cán bộ hệ thống chính quyền….
Phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng đánh giá, thời gian qua, các cấp các ngành trong tỉnh đã triển khai nhanh chóng, kịp thời, nghiêm túc các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Đây là động lực, mở ra cánh cửa để tỉnh và đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, do đó tất cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành phải triển khai quyết liệt, nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời yêu cầu phải cân đối, đảm bảo nguồn lực để thực hiện phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Về định hướng trong thời gian tới, trên lĩnh vực khoa học công nghệ, Bí thư Tỉnh uỷ thống nhất cao đề nghị UBND tỉnh rà soát lại thật kỹ các nội dung 2 Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Bình Định và phát triển giáo dục STEM, bảo đảm 2 đề án sớm ban hành, triển khai quyết liệt, hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý chính sách, chế độ đãi ngộ để thu hút các chuyên gia đầu ngành, các giáo viên giỏi để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. UBND tỉnh phối hợp với Trung tâm ICISE xây dựng đề án nâng cấp các Viện nghiên cứu tại Trung tâm này tốt hơn.
Trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục triển khai, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia, các trường đại học trong cả nước để nâng cao chất lượng đào tạo, lan toả tinh thần khởi nghiệp. Đồng thời, ngành giáo dục và khoa học công nghệ tỉnh nghiên cứu chính sách mở lớp đào tạo chuyên sâu dành cho những học sinh có năng khiếu nghiên cứu, đam mê khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bí thư Tỉnh uỷ giao Ban Tuyên giáo và Dân vận chủ trì hoàn thiện và sớm trình để ban hành Kế hoạch triển khai phong trào Bình dân học vụ số trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh triển khai nhanh đề án xây dựng Khu công nghệ thông tin của tỉnh tại Khu đô thị Long Vân; đẩy nhanh số hoá dữ liệu đất đai toàn tỉnh; xây dựng chương trình phổ cập kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin, AI cho cán bộ công chức, viên chức, ngay sau khi sáp nhập xã phường sẽ tiến hành đào tạo ngay. Bí thư Tỉnh uỷ cũng yêu cầu các cơ quan đảng triển khai ngay việc chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị theo kế hoạch đã phê duyệt./.