|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khoá XIII, nhiệm kỳ 2021-2026

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 28/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành khai mạc kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền. Tham dự kỳ họp có 50/52 đại biểu HĐND tỉnh.

Các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi, Huỳnh Thúy Vân chủ trì kỳ họp.

Tham dự kỳ họp có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, địa phương.

Quang cảnh Kỳ họp 

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và xem xét, quyết định một số nội dung về phát triển KT-XH trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Thường trực HĐND tỉnh quyết định triệu tập kỳ họp chuyên đề để xem xét các tờ trình của UBND tỉnh về chủ trương hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đồng thời, xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025 và điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, bố trí vốn ngân sách tỉnh tham gia Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; ban hành quy định về mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã và một số nội dung quan trọng khác.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp

Các nội dung trình kỳ họp lần này được Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo quy trình, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo các nội dung trình kỳ họp báo cáo thuyết trình tập trung vào các vấn đề trọng tâm, cốt lõi; giải trình, tiếp thu làm rõ các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh để hoàn thiện nội dung, bảo đảm sự thống nhất cao khi thông qua nghị quyết.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn trình bày Tờ trình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025

Ngay sau khai mạc kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn trình bày Tờ trình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025 và Tờ trình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.

Theo Tờ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh hiện có 155 xã phường thị trấn, số lượng đơn vị cấp xã thực hiện sắp xếp là 154 đơn vị, còn lại xã đảo Nhơn Châu do điều kiện địa hình đặc thù là xã đảo. Sau sắp xếp, tỉnh Bình Định còn 58 đơn vị hành chính (gồm 41 xã; 17 phường); giảm 97 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay (gồm 74 xã; 11 phường; 12 thị trấn); đạt tỷ lệ 62,58%.

Theo phương án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, Tờ trình cho biết:  Thành lập tỉnh Gia Lai trực thuộc Trung ương trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 15.510,13 km2, quy mô dân số là 1.770.592 người của đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và toàn bộ diện tích tự nhiên là 6.066,40 km2, quy mô dân số là 1.813.101 người của đơn vị hành chính tỉnh Bình Định. Đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là 21.576,53 km2, quy mô dân số là 3.583.693 người và có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường). Nơi đặt Trung tâm chính trị - hành chính: tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.

Tờ trình nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định là cần thiết nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển, đồng thời bảo đảm yếu tố lịch sử của hai tỉnh; bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tạo liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp.

Tiếp đó, thừa uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở Tài Chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường trình bày các tờ trình, đề án trình tại kỳ họp. Các ban Pháp chế, Kinh tế-Ngân sách, Văn hoá-Xã hội cũng đã có báo cáo thẩm tra các dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh thuộc chức năng của Ban.

Trong phần thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về 2 Tờ trình sắp xếp về đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập 2 tỉnh Bình Định-Gia Lai về 1 nhà. Theo đó, các đại biểu cho rằng thời gian qua, toàn tỉnh đã gấp rút triển khai các nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính. Đến nay, các nội dung cơ bản, quan trọng đã hoàn thành. Đối với Tờ trình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, các đại biểu đều thống nhất cao. Đối với Tờ trình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định, theo các đại biểu thời gian qua các địa phương đã rất nỗ lực và chạy đua với thời gian, đặc biệt việc sắp xếp vừa đảm bảo tính khoa học trên cơ sở lắng nghe ý kiến của bà con.

Ý kiến các đại biểu cũng cho biết, cử tri thống nhất rất cao với chủ trương sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính và sáp nhập 2 tỉnh Bình Định với Gia Lai. Việc điều chỉnh tên gọi các xã phường gắn với địa danh lịch sử, ký ức văn hoá thể hiện sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, giúp sự đồng thuận, ủng hộ cao hơn.

Ngay sau phần thảo luận chung tại hội trường, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 16 nghị quyết của kỳ họp trong đó có các nghị quyết quan trọng, mang tính lịch sử như: Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025. Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định. Nghị quyết về bố trí vốn ngân sách tỉnh tham gia dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu bế mạc Kỳ họp

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định rất cần thiết để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí quản lý nhà nước và tạo nguồn lực mới cho phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Việc nhập 2 tỉnh sẽ tạo lợi thế to lớn về phát triển KT-XH, tạo không gian phát triển mới, kết hợp tiềm năng to lớn của vùng Tây Nguyên với phát triển kinh tế biển của Bình Định. Tỉnh Gia Lai mới có vị trí đặc biệt quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, tạo cơ hội cho chuỗi giá trị nông sản, du lịch, công nghiệp, kinh tế biển, nâng cao hiệu quả kinh tế, tối ưu hoá hiệu quả sử dụng nguồn lực, phát huy được lợi thế so sánh để phát triển, tăng tốc.

Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Bình Định là kết quả của sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, toàn diện, chu đáo cả về những yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hoá và cả tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua, đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện đầy đủ hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương; chủ động xây dựng các phương án, để báo cáo cấp có thẩm quyền về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cao nhất cho sắp xếp; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, đảm bảo không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Tích cực trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thông suốt, liên tục, không để xảy ra tình trạng gián đoạn, ách tắc hay chậm trễ.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp này. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận theo chức năng nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác giám sát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập, hợp nhất tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương.

“Từ nay đến ngày hệ thống chính trị các cấp sau sắp xếp chính thức đi vào hoạt động không còn nhiều, do đó tôi đề nghị: với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị khác theo yêu cầu của Trung ương và của Tỉnh ủy, đây cũng là dịp để đánh giá, sàng lọc, lựa chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới”. đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh./.


Tác giả: Trang Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật