A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 19/11/2024 về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật).

Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể là nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững; nâng cao năng lực và nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. 

Đồng thời giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực nhằm thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch.

3 nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng 

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ giải pháp thực hiện gồm: 

1. Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững thông qua đầu tư cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm sử dụng hiệu quả và ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái tài nguyên; phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ, phát triển rừng và các hệ sinh thái; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; tăng cường hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe; bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới.

2. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Triển khai các giải pháp tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai và các điều kiện khí hậu, thời tiết cực đoan; cải thiện đánh giá và quản lý rủi ro khí hậu; thực hiện các giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của biến đổi khí hậu, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng.

3. Hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực để thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế, chính sách và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch; thúc đẩy các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu đồng lợi ích, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua truyền thông, đào tạo, tăng cường nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, huy động các nguồn tài chính, đầu tư và các hoạt động hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu.

2 giai đoạn thực hiện 

Giai đoạn đến năm 2030: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật về thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược và quy hoạch;

Triển khai, nhân rộng các mô hình canh tác nông nghiệp xen canh thích ứng với biến đổi khí hậu; bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng phù hợp; phát triển và nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Tầm nhìn đến năm 2050: Giai đoạn sau năm 2030 cho đến năm 2050, tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người, hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống tự nhiên nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nước, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an toàn trước thiên tai. 

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành thực hiện theo quy định của pháp luật về Ngân sách nhà nước, Đầu tư công và các quy định liên quan; các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Định kỳ 5 năm sơ kết đánh giá tình hình thực hiện 

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ 5 năm sơ kết đánh giá tình hình thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các dự án đầu tư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các giai đoạn trên cơ sở danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan trung ương cân đối kinh phí thường xuyên hằng năm từ ngân sách trung ương để triển khai nhiệm vụ của Kế hoạch.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí nguồn lực và chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch, bảo đảm tiến độ và chất lượng.


Tác giả: Lan Phương
Nguồn:baochinhphu.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật