A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 31/12/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: vnbusiness.vn)

Kế hoạch hướng đến mục tiêu phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả, chuyển từ số lượng sang chất lượng, phù hợp thị trường tiêu thụ, theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, diện tích gieo trồng, sản lượng đối với cây trồng chủ lực là: lúa 90.710 ha, sản lượng 648.000 tấn; ngô 9.200 ha, sản lượng 59.000 tấn; sắn 9.290 ha, sản lượng 263.600 tấn; lạc 12.000 ha, sản lượng 48.000 tấn; rau các loại 18.000 ha, sản lượng 333.000 tấn; dừa 9.520 ha, sản lượng 116.400 tấn (trong đó: dừa xiêm 2.500 ha). Đối với cây ăn quả là: bưởi 1.000 ha, sản lượng 4.180 tấn; xoài 1.270 ha, sản lượng 5.290 tấn.

Đối với cây chủ lực, diện tích sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết là 4.500 ha; tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận 99%; diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) là 200 ha; diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là 3.500 ha.

Đối với cây ăn quả, diện tích sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết là 250 ha; diện tích trồng mới, trồng tái canh là 600 ha; tỷ lệ sử dụng giống đạt tiêu chuẩn 70%, diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) là 200 ha; diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là 1.000 ha.

Giá trị sản xuất 01 ha canh tác trồng trọt 130 triệu đồng/ha (trong đó cây hàng năm là 128 triệu đồng và cây ăn quả là 140 triệu đồng).

Định hướng đến năm 2030, diện tích gieo trồng, sản lượng đối với cây trồng chủ lực là: lúa 87.000 ha, sản lượng 632.000 tấn; ngô 9.200 ha, sản lượng 68.000 tấn; sắn 10.000 ha, sản lượng 330.000 tấn; lạc 16.000 ha, sản lượng 65.600 tấn; rau các loại 18.500 ha, sản lượng 360.000 tấn; dừa 10.000 ha, sản lượng 117.730 tấn (trong đó: dừa xiêm khoảng 3.585 ha). Đối với cây ăn quả: Bưởi 1.700 ha, sản lượng 9.180 tấn; xoài 1.500 ha, sản lượng 6.340 tấn.

Đối với cây chủ lực, diện tích sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết là 5.500 ha; tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trên 99%; diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) là 300 ha; diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là 5.000 ha.

Đối với cây ăn quả, diện tích sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết trên 500 ha; diện tích trồng mới, trồng tái canh là 1.000 ha; tỷ lệ sử dụng giống đạt tiêu chuẩn 80%, diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) là 500 ha; diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên 2.000 ha.

Giá trị sản xuất 01 ha canh tác trồng trọt 160 triệu đồng/ha (trong đó đối với cây hàng năm là 155 triệu đồng và cây ăn quả là 180 triệu đồng).

Theo kế hoạch, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch này; đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Kế hoạch cho phù hợp với thực tế; định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương hàng năm kiểm tra, rà soát và xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo đạt các mục tiêu của Đề án. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở chủ động lồng ghép các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia và các kế hoạch, chương trình phát triển sản xuất trồng trọt của tỉnh.

Các Sở, ngành có liên quan, trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1535/QĐ-UBND ngày 02/5/2024 của UBND tỉnh và các nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch này, lồng ghép vào kế hoạch phát triển của ngành và triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị.

UBND các huyện, thị xã, thành phố, hàng năm, xây dựng kế hoạch cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện; lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cân đối ngân sách hàng năm bố trí nguồn vốn để tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó, phối hợp với sở, ngành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm triển khai trên địa bàn; đề xuất thực hiện các nội dung liên quan đến Đề án phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu và định hướng của Đề án; vận động người dân tích cực, chủ động tham gia phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả trên địa bàn.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân có điều kiện tích cực tham gia Đề án. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu và định hướng của Đề án; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truyền thông các mô hình, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng hiệu quả trên cây trồng chủ lực và cây ăn quả nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, người dân tham gia áp dụng và nhân rộng./.


Tác giả: Minh Anh

Tin nổi bật Tin nổi bật