A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền, phổ biến Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 09/01, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, phổ biến Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Quang cảnh hội nghị

Nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tại kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ (cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025).

Tại hội nghị, các báo cáo viên đã thông tin về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật, bố cục và nội dung cơ bản của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 89 điều; quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết TNGT đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, ATGT đường bộ;...

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có một số điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như: quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô; quy tắc tham gia giao thông trên đường cao tốc; đấu giá biển số xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy; xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị chống bỏ quên trẻ; thay đổi phân hạng Giấy phép lái xe; quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe; tăng độ tuổi tối đa của người lái xe; bổ sung quy định kiểm định khí thải xe máy; bổ sung trường hợp xe mô tô hai bánh, xe gắn máy được chở tối đa 02 người/xe; bổ sung đối tượng xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp là xe ưu tiên; người điều khiển phương tiện có thể xuất trình giấy tờ qua tài khoản định danh điện tử...

Trong khi đó, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ. 

Luật Đường bộ gồm 6 Chương, 86 Điều; quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Luật tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đường bộ và tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.

Luật Đường bộ có nhiều nội dung đổi mới nên đòi hỏi hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành phải được ban hành đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đường bộ. Theo đó, đã có 02 Nghị định, 07 Thông tư được ban hành. Ngoài ra, trên cơ sở quy định của Luật Đường bộ, Sở Giao thông vận tải đã chủ trì phối hợp với Sở Tư Pháp, các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng dự thảo, trình UBND tỉnh ban hành 02 quy định: (1) Quy định việc quản lý đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn trên địa bàn tỉnh (theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ); (2) Quy định trình tự, thủ tục chấp thuận thiết kế và trình tự, thủ tục cấp phép thi công nút giao đối với đường địa phương đang khai thác (theo quy định tại khoản 5 Điều 30 Luật Đường bộ)./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật