Thúc đẩy bình đẳng giới trong quản lý rừng bền vững
Rừng là tài nguyên quý giá, đóng vai trò thiết yếu trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, một tiềm năng quan trọng vẫn chưa được khai thác đầy đủ: Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong ngành lâm nghiệp. Vai trò của phụ nữ đang dần được khẳng định, nhưng để đạt được bình đẳng giới, cần có những nỗ lực đồng bộ và lâu dài.
Xóa bỏ định kiến giới trong ngành lâm nghiệp
Trong nhiều năm, ngành lâm nghiệp bị chi phối bởi các định kiến giới, khi phụ nữ thường bị xem là không phù hợp với những công việc đòi hỏi sức mạnh và kỹ thuật. Điều này khiến họ chỉ đảm nhiệm các vai trò gián tiếp, như kế toán hay hành chính.
Chị Đinh Thị Thu Ngân, một người dân làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Chính chúng tôi cũng từng nghĩ phụ nữ không phù hợp với ngành lâm nghiệp, nhưng sau khi tham gia các chương trình đào tạo, chúng tôi không nghĩ như thế nữa. Khi đi rừng, tôi học được cách nhận biết cây trồng, cách chăm sóc rừng và thậm chí cả các kỹ thuật đơn giản để bảo vệ rừng khỏi sâu bệnh. Điều này không chỉ giúp tôi cảm thấy tự tin hơn mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Dù đã có những tiến bộ, nhưng bất bình đẳng giới vẫn là rào cản lớn trong các hoạt động lâm nghiệp. Sự chênh lệch trong cơ hội việc làm, phân công lao động, quyền sử dụng đất và lợi ích kinh tế vẫn tồn tại. Bà Lại Thị Nhung, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, chia sẻ: Khi đến các hộ gia đình để tuyên truyền, tôi nhận thấy nhiều phụ nữ muốn tham gia nhưng họ còn e ngại vì bị gò bó bởi các trách nhiệm gia đình hoặc thiếu sự hỗ trợ từ phía chồng. Để thay đổi định kiến này, chúng tôi đã đẩy mạnh giáo dục cộng đồng, khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm trong gia đình và thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của phụ nữ.
Chị Đinh Thị Thu Ngân tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: XUÂN DŨNG
Bà Carina van Weelden, quản lý triển khai dự án “Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng” của GIZ Việt Nam (Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức), chia sẻ: Phụ nữ thường có góc nhìn khác biệt, họ chú trọng tới việc bảo vệ nguồn tài nguyên lâu dài hơn, cũng như cân nhắc các yếu tố cộng đồng khi ra quyết định. Vì vậy, chúng tôi đang tổ chức các khóa đào tạo nhằm tăng cường năng lực và cam kết của tất cả các bên liên quan, đồng thời tạo môi trường khuyến khích phụ nữ tham gia sâu hơn vào ngành lâm nghiệp.
Phụ nữ với vai trò quản lý rừng bền vững
Tại làng K2, xã Vĩnh Sơn, mỗi tháng 2 lần, các tổ phụ nữ tham gia kiểm tra diện tích rừng được giao khoán, phát dọn dây leo và chăm sóc cây rừng. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự đóng góp quan trọng của phụ nữ trong việc quản lý và bảo vệ rừng.
Bà Nguyễn Lam Giang, chuyên gia kỹ thuật Quản lý rừng bền vững, nhấn mạnh: Những chương trình tập huấn về bình đẳng giới giúp nâng cao năng lực và thúc đẩy cam kết thực hiện của các bên, góp phần đưa phụ nữ vào vai trò trung tâm trong quản lý rừng bền vững. Tôi đã gặp nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn, miền núi, những người đang chứng minh rằng họ không chỉ có khả năng quản lý rừng mà còn có thể xây dựng những kế hoạch lâu dài để đảm bảo rừng được bảo vệ tốt hơn. Các chị em cũng chia sẻ nhiều ý tưởng sáng tạo, ví dụ như việc kết hợp trồng cây rừng với cây thuốc nam, vừa bảo tồn rừng vừa tăng thêm thu nhập.
Ông Đinh Phó, một người dân làng K2, thừa nhận: Trước đây tôi nghĩ phụ nữ chủ yếu làm việc nhà và không nên tham gia các công việc nặng nhọc như chăm sóc rừng. Nhưng sau khi thấy họ làm việc, tôi nhận ra rằng quan điểm và cách tiếp cận của phụ nữ rất quan trọng để tạo ra các phương pháp bền vững trong quản lý rừng. Họ rất cẩn thận, tỉ mỉ và luôn nghĩ đến thế hệ sau. Bây giờ, cả gia đình tôi cùng tham gia công việc này, hiệu quả tăng lên rõ rệt.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn là đơn vị tích cực khắc phục định kiến giới trong ngành lâm nghiệp, chủ động phối hợp xây dựng giải pháp để thay đổi từ phân bổ công việc công bằng đến chia sẻ trách nhiệm gia đình. Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho biết: Công ty đã xây dựng kế hoạch hành động giới và tập trung nâng cao nhận thức cho tất cả các bên, bao gồm cả các hộ gia đình tham gia quản lý rừng. Chúng tôi cũng đưa ra các sáng kiến cụ thể, như tạo điều kiện linh hoạt về thời gian làm việc để phụ nữ có thể cân bằng giữa công việc và gia đình. Quan trọng hơn, chúng tôi đang hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ tài chính và đào tạo kỹ năng cho phụ nữ trong lĩnh vực này.