|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Hiệu quả từ các câu lạc bộ chống tảo hôn

Nhận thức được những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khoẻ sinh sản của thế hệ trẻ đồng bào DTTS, tỉnh Bình Định và các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm thiểu nạn tảo hôn. Trong đó, việc đẩy mạnh thành lập các câu lạc bộ (CLB) phòng chống tảo hôn trong trường học đã mang lại hiệu quả bước đầu.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vân Canh “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để Tuyên truyền phòng chống TH&HNCHT.

Nâng cao nhận thức về tảo hôn cho học sinh

Thành lập các CLB phòng chống TH&HNCHT, giúp cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh được coi là giải pháp trọng tâm được Ban Dân tộc tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Giữa năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã thành lập 3 CLB Thanh niên nói không với TH&HNCHT tại các trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú ở các huyện Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh. Bước đầu các CLB đã hoạt động hiệu quả, giúp ngăn ngừa học sinh tảo hôn dẫn đến bỏ học.

Mô hình CLB Thanh niên nói không với TH&HNCHT được Trường PTDT bán trú An Lão và Ban Dân tộc tỉnh thành lập từ cuối tháng 5/2023, gồm 54 thành viên là Ban Giám hiệu, giáo viên và học sinh.

Vào ngày thứ Ba của tuần đầu tiên hằng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt chuyên đề phòng chống TH&HNCHT cho học sinh. Tại đây, các em được phổ biến các quy định xử phạt đối với hành vi TH&HNCHT; tác hại của tảo hôn ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống; xem phóng sự về TH&HNCHT; tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên…

Vượt qua những ngại ngùng ban đầu, các em dần mạnh dạn hơn, thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Cô Lữ Thị Liệu, Phó Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả cao nhất, CLB lựa chọn đa dạng các nguồn thông tin, tài liệu và hình ảnh trực quan về tảo hôn để tuyên truyền, giúp các em “nắm vững, hiểu chắc” các kiến thức về tảo hôn, giới tính, sức khỏe sinh sản. Từ đó, các em trở thành những tuyên truyền viên về phòng, chống tảo hôn cho bạn bè, người thân và gia đình.

Em Đinh Thị Ly Nương (học sinh lớp 9A3) cho biết: Nội dung sinh hoạt của CLB rất thiết thực, bổ ích. Chúng em hiểu rõ không được kết hôn sớm, phải cố gắng học tập để mai sau có cuộc sống tốt hơn, để không phải vất vả như thế hệ trước.

Theo thầy Trần Văn Hải, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú An Lão, thời gian qua, nhà trường thường xuyên chỉ đạo CLB tăng cường tuyên truyền phòng chống tảo hôn dưới nhiều hình thức khác nhau với những câu chuyện có thật; tổ chức các chương trình phát thanh, các cuộc thi sân khấu hóa… Từ khi thành lập CLB, tình trạng tảo hôn của trường đã giảm hẳn, không có trường hợp nào tảo hôn dẫn đến bỏ học.

Còn tại Trường PTDT Bán trú Canh Liên, huyện Vân Canh, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo cho CLB tổ chức phát tờ rơi, treo pa nô, áp phích, lồng ghép tuyên truyền vào giờ học trên lớp và giờ sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình...

Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh vừa thành lập thêm 1 CLB Thanh niên nói không với TH&HNCHT tại Trường THCS Bán trú Canh Thuận, huyện Vân Canh. Đây là CLB thứ 4 của tỉnh về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thầy Trần Duy Khá, Hiệu trưởng Trường THCS Bán trú Canh Thuận cho biết: CLB được thành lập với 72 thành viên, sinh hoạt định kỳ mỗi quý một lần nhằm cập nhật thông tin; nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…, góp phần nâng cao kiến thức về TH&HNCHT cho các thành viên.

Tảo hôn có giảm nhưng chưa bền vững

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, tình trạng tảo hôn trên địa bàn các huyện miền núi đã giảm đáng kể. Cụ thể: Huyện Vĩnh Thạnh có 12 trường hợp, so với năm 2022 là 17 trường hợp, giảm 5 trường hợp; huyện Vân Canh 16 trường hợp, so với năm 2022 là 19 trường hợp, giảm 3 trường hợp; huyện Hoài Ân có 3 trường hợp, so với năm 2022 là 1 trường hợp, tăng 2 trường hợp; huyện An Lão, Tây Sơn và Phù Cát không xảy ra tảo hôn. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng HNCHT.

So với các huyện khác thì huyện Vân Canh có số trường hợp tảo hôn cao nhất. Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Canh Sô Lan Tài chia sẻ: Ngoài những nguyên nhân như: Nhận thức chưa đầy đủ về kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của các cặp tảo hôn cũng như trách nhiệm của gia đình... thì tình trạng tảo hôn tăng cao còn có một phần trách nhiệm của địa phương. Đó là, việc xử lý chưa thực sự nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm nên nhiều gia đình vẫn cho các con về ở với nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt cho biết: Huyện đã chỉ đạo các địa phương đưa nội dung về tảo hôn, quy định tuổi được kết hôn vào hương ước, quy ước của thôn, làng để thực hiện. Phân công cán bộ thường xuyên đứng chân từng thôn, làng; vận động các gia đình ký cam kết không để xảy ra TH&HNCHT. Phát huy tốt vai trò của già làng, Người có uy tín thực hiện công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân ở vùng đồng bào DTTS.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ chỉ đạo các phòng Dân tộc phối hợp với các nhà trường tăng cường tuyên truyền, thông tin và giáo dục cho học sinh hiểu biết hơn về sức khỏe sinh sản, nhận thức đúng về hôn nhân gia đình, trang bị kỹ năng sống, các biện pháp phòng tránh tảo hôn cho các em. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 


Tác giả: Lê Phương
Nguồn:baodantoc.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật