Công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn
Chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11), sáng 21.11, tại Bảo tàng tỉnh, Sở VH&TT tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tại Bình Định.
Dự lễ có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL); TS Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam; các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lãnh đạo cơ quan văn hóa tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Bình Định có chiều dài lịch sử với những trầm tích văn hóa đa dạng, đặc sắc. Trong gần 5 thế kỷ (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV), Bình Định là vùng đất kinh đô của vương triều Vijaya (Champa) đã để lại những di sản văn hóa vật thể vô giá, bao gồm hệ thống đền tháp, thành quách, khu lò gốm cổ in dấu nghìn năm; đặc biệt, quần thể kiến trúc, tín ngưỡng gồm 8 cụm/14 tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn, cùng với hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật điêu khắc vô giá. Đây là di sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của cả nước và của tỉnh, nguồn sử liệu quý đối với công tác nghiên cứu, sưu tầm lịch sử, văn hóa Bình Định.
Từ năm 2015 - 2024, qua các đợt công nhận bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Ðịnh vinh dự có 13 bảo vật quốc gia là những tác phẩm điêu khắc Champa, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; chùa Linh Sơn (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn); chùa Nhạn Sơn (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn); khuôn viên thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế, ở xã Nhơn Hậu).
Đại biểu nghe giới thiệu về bảo vật quốc gia cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cặp tượng sư tử thành Đồ Bàn được tạo tác mang những nét cơ bản của phong cách Trà Kiệu, nhưng cũng bắt đầu có những đặc điểm của phong cách tháp Mẫm (còn gọi là phong cách Bình Định), được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho rằng, để tiếp tục “đánh thức” giá trị các bảo vật quốc gia tại Bình Định, ngành Văn hóa tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về các bảo vật quốc gia; có kế hoạch, phương hướng cụ thể để bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia, gắn với việc phát triển KT-XH của địa phương. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát các hiện vật quý mà Bảo tàng tỉnh và các tổ chức, cá nhân đang lưu giữ; tìm hiểu, xác định niên đại, giá trị lịch sử, nghệ thuật đối với các hiện vật tiêu biểu, đáp ứng các tiêu chí để lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia, nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa trên quê hương Bình Định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, nhấn mạnh: “Ngành Văn hóa tỉnh cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động trưng bày các bảo vật quốc gia. Đẩy mạnh công tác giáo dục di sản cho học sinh; kết nối với các công ty lữ hành, DN kinh doanh du lịch xây dựng tour, tuyến du lịch phục vụ nhu cầu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan bảo tàng, tìm hiểu bảo vật quốc gia tại Bình Định, hướng đến mục tiêu đưa du lịch lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh”.
Dịp này, đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn; Bảo tàng tỉnh báo cáo về bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh, chiếu phim giới thiệu các bảo vật quốc gia, ra mắt sách Bảo vật quốc gia tại Bình Định, đưa đại biểu tham quan các bảo vật quốc gia tại Bình Định.
Gần đây nhất, đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận bảo vật quốc gia cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế). Cặp tượng này được phát hiện năm 1992, tại khu vực Bả Canh (phường Đập Đá, TX An Nhơn) gần tháp Cánh Tiên, thuộc phạm vi thành Đồ Bàn, trong một hố chôn có cặp tượng sư tử cùng tượng Gajashimha (con vật đầu voi, mình sư tử).