Tháng ba lịch sử trên chiến trường An Nhơn
Từ cuối năm 1974, sang năm 1975 mặc dù đối phương ra sức thực hiện “tràn ngập lãnh thổ”, nhưng tương quan lực lượng trên chiến trường đã nghiêng hẳn về phía cách mạng. Thừa thắng, quân và dân An Nhơn cùng với cả tỉnh, cả miền Nam và cả nước bước vào chiến dịch tiến công tổng hợp Mùa Xuân 1975.
Lược đồ tác chiến trên chiến trường Bình Định được bố trí làm hai khu vực trọng điểm. Khu vực trọng điểm 1 gồm Nam Phù Cát, Đông An Nhơn, Bắc Tuy Phước; khu vực trọng điểm 2 gồm Bắc Bình Khê (nay là Tây Sơn), Tây An Nhơn. Khu vực phối hợp là Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Nam Tuy Phước và Vân Canh.
Khác với các chiến dịch trước, trong chiến dịch lịch sử Xuân 1975, chiến trường trọng điểm của tỉnh nghiêng về phía nam và địa bàn An Nhơn cả đông tây đều nằm trong cả hai khu vực trọng điểm. Sư đoàn 3 Sao Vàng, quân chủ lực của Quân khu V, từ phía bắc tỉnh bí mật cấp tốc di chuyển vào ém quân ở phía nam, đảm nhiệm hướng chiến dịch quan trọng của Quân khu nằm trong thế trận chiến trường Tây Nguyên. Sư đoàn 3 Sao Vàng là đơn vị chủ công, có nhiệm vụ đánh cắt Quốc lộ 19 dài ngày, thực hiện chia cắt chiến lược giữa Tây Nguyên với đồng bằng, không cho địch lên chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và ngược lại.
Đúng 5 giờ 35 phút đêm 4, rạng ngày 5.3.1975, bộ đội công binh đánh sập cầu 2 (cầu Dài). Các đơn vị Sư đoàn 3 Sao Vàng đồng loạt nổ súng tiến công đánh chiếm hàng chục cứ điểm của đối phương dọc hai bên sườn quốc lộ 19, mở đầu chiến dịch Xuân 1975 trên chiến trường Bình Định và cũng là chiến trường Khu V.
Điều rất quan trọng là đối phương không thể phán đoán đồ ý đồ, quy mô và hướng tiến công chiến dịch của ta. Chúng cho là cách mạng chỉ có khả năng mở chiến dịch như năm 1972 và sẽ tấn công ở Bắc Tây Nguyên, còn ở chiến trường Bình Định quân giải phóng cũng sẽ đánh phía bắc tỉnh. Nên khi đại quân ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột vào ngày 10.3.1975, trận mở màn điểm huyệt hiểm hóc, gây cho chúng choáng váng, lâm vào thế hoàn toàn bị động đối phó, vì Tây Nguyên thất thủ, tác động dây chuyền trên toàn chiến trường miền Nam, mà trực tiếp là chiến trường Bình Định, nhất là hai huyện Bình Khê và An Nhơn trong khu vực trọng điểm 2, dồn ép địch dọc duyên hải Trung và Nam Trung Bộ.
Phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng bộ đội tỉnh, quân và dân huyện An Nhơn cùng với lực lượng huyện Bình Khê chớp thời cơ đồng loạt tiến công và nổi dậy tiêu diệt, bức rút, bức hàng hàng loạt chốt bảo an, dân vệ, xóa bỏ bộ máy tề ngụy trong khu vực, lần lượt giải phóng cả một mảng rộng lớn các xã Tây Nam An Nhơn, Đông Bắc Bình Khê.
Trước khí thế tiến công mạnh mẽ như vũ bão của quân và dân ta, đêm 14.3, Huyện ủy An Nhơn nhận định thời cơ đã đến và ra lệnh mở chiến dịch tổng lực giải phóng toàn huyện vào đêm 14, rạng ngày 15.3.1975. Bộ đội huyện phối hợp chặt chẽ với các tiểu đoàn bộ binh 50, 52, 56, đơn vị đặc công tỉnh và an ninh vũ trang đứng chân trên địa bàn cùng quần chúng cách mạng cả khu Tây, khu Đông đồng loạt tiến công và nổi dậy. Đống thời, Huyện ủy chỉ đạo từ huyện xuống xã gấp rút chuẩn bị bộ máy chính quyền cách mạng huyện và cơ sở, để giải phóng đến đâu là ra mắt chính quyền đến đó, không được chậm trễ
Những ngày giữa cuối tháng 3 lịch sử như đêm hội trước ngày toàn thắng đối với quân dân An Nhơn cũng như toàn miền Nam đang trở thành hiện thực, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng. Tình hình diễn biến nhanh chóng, ngày 20.3.1975, Thường vụ Huyện ủy An Nhơn họp khẩn cấp rà soát tình hình, đề ra nhiệm vụ cấp bách nhanh chóng chớp thời cơ, với quyết tâm cao nhất là giải phóng toàn huyện. Tiếp sau đó, ngày 24.3.1975, Thường vụ Huyện ủy nhận lệnh của Thường vụ Tỉnh ủy: Tổng công kích, tổng khởi nghĩa, với khẩu hiệu: “Tất cả cho đánh đổ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân”. Với phương châm là: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”.
Từ thời điểm này, Huyện ủy chỉ đạo chỉ để lại một bộ phận ở căn cứ làm nhiệm vụ giữ kho, quản lý trại giam…còn tất cả cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị đều “hạ sơn”, bỏ lại sau lưng những láng trại, bếp hoàng cầm, những rẫy mì, rẫy lúa, những dòng suối trong veo nước chảy róc rách như tiếng nhạc giữa rừng và những chùm hoa phong lan rừng nở rực còn phảng phất hương sắc mùa xuân.
Ở khu Tây, đêm 20.3 bộ đội công binh và du kích đánh sập cầu Phụ Ngọc, uy hiếp chi khu và quận lỵ từ phía tây, binh lính từ các chốt lần lượt tháo chạy, cả mảng Tây Nam huyện đã thuộc về cách mạng. Ở khu Đông, các chốt bảo an, dân vệ ở Nhơn Phong, Nhơn An, Nhơn Thành đều bị bức rút, bức hàng. Cầu Cẩm Văn trên quốc lộ I bị bộ đội công binh đánh sập, dồn ép và cô lập quân địch cả ba mặt.
Tin chiến thắng dồn dập từ các nơi dội về, ngày 20.3 giải phóng cố đô Huế, thành phố Đà Nẵng rơi vào hỗn loạn, cả bộ máy chiến tranh đồ sộ tháo chạy, ngày 25.3 giải phóng Quảng Ngãi. Tình hình chung càng thôi thúc quân dân Bình Định, trong đó có An Nhơn nô nức khẩn trương, ngày 29.3 giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Nhơn, rồi huyện Phù Mỹ, Phù Cát địch tháo chạy dồn vào phía nam tỉnh.
Ở An Nhơn, đến ngày 28.3, cán bộ, bộ đội, du kích từ khu Tây đến khu Đông đều đã ra hoạt động công khai. Đêm 29.3, một bộ phận sư đoàn 968 quân chủ lực đánh chiếm sân bay Gò Quánh, lính trong sân bay cùng với đám tàn quân phía bắc tháo chạy hỗn loạn, dẫm đạp trên lúa, quân dân các xã khu Đông truy bắt hơn 500 tên, cả sĩ quan và bình lính. Tàn quân sư đoàn 22 và các liên đoàn bảo an còn sống sót theo quốc lộ 19 mở đường máu tháo chạy xuống, cùng với lính thất trận các hướng dồn lại giao lộ nút chai cầu Bà Di trên 6.000 tên, 300 xe quân sự dẫm đạp lên nhau đổ dồn về Quy Nhơn hòng thoát thân bằng đường biển, nhưng đối phương đâu có ngờ bộ đội ta đã giăng bẩy, khóa chặt đường rút của tàn quân.
Quận lỵ An Nhơn như cá nằm trên thớt, tên quận trưởng và cố vấn Mỹ thoát thân bằng máy bay lên thẳng, số còn lại như rắn mất đầu, tháo chạy tán loạn, lớp lẩn trốn, lớp ra đầu hàng. Hơn 10 giờ ngày 30.3, địch cho máy bay ném bom chi khu để phá hủy trận địa pháo và tài liệu mà chúng không mang theo kịp.
Đúng 11 giờ, lực lượng ta vào chiếm lĩnh quận lỵ, cờ giải phóng tung bay phấp phới trên nóc trụ sở quận trong ánh nắng và gió của mùa xuân lịch sử. Ngày 30.3.1975, được đánh dấu là ngày huyện An Nhơn được hoàn toàn giải phóng, chính quyền về tay nhân dân, sau hơn 20 đấu tranh với bao gian khổ hy sinh. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân toàn huyện vỡ òa trong niềm vui lẫn với nước mắt, tiếp tục góp phần giải phóng toàn tỉnh vào ngày 31.3. 1975 và giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30.4.1975, thống nhất đất nước, cùng cả nước chuyển sang giai đoạn cách mạng mới là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới, hội nhập và phát triển, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.