A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình thâm canh cây Dừa Xiêm huyện Phù Cát theo hướng hữu cơ

1.ĐẶT VẤN ĐỀ

Trên địa bàn toàn huyện Phù Cát hiện có trên 1.200 ha dừa, hầu hết là dừa uống nước.

Những năm gần đây, các đơn vị chuyên môn của tỉnh và huyện kết hợp với chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ đẩy mạnh các thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các vùng dừa tập trung của huyện như ở  thôn Tùng Chánh, Hòa Đại và Hội Vân của xã Cát Hiệp; và vùng dừa tại thôn Phú Kim của xã Cát Trinh với tổng diện tích 60ha của 120 hộ.

Tuy nhiên việc phát triển dừa xiêm vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, để nâng cao hiệu quả kinh tế đem lại thu nhập cho người dân tỉnh Bình Định nói chung và huyện Phù Cát nói riêng. Từ việc quy hoạch vùng trồng đến tuyên truyền vận động người dân chuyển từ phương thức canh tác truyền thống sang phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. Trong giai đoạn hiện nay, muốn sản phẩm tiêu thụ mạnh và được nhiều thị trường biết đến hơn nữa, thì cần phải xây dựng một thương hiệu trên cơ sở áp dụng đồng bộ những biện pháp kỹ thuật tiên tiến để tạo ra những sản phẩm dừa xiêm chất lượng tốt, an toàn cho người sử dụng. Từ những vấn đề trên chúng tôi tiến hành thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình thâm canh cây Dừa Xiêm huyện Phù Cát theo hướng hữu .

2. ĐỐI TƯỢNG NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

2.1 Nội dung thực hiện: Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình thâm canh cây Dừa Xiêm tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát theo hướng hữu cơ với hai nội dung chính là (1)Xây dựng 1,5ha mô hình thâm canh cây Dừa Xiêm huyện Phù Cát theo hướng hữu cơ, (2) Hội nghị tham quan đầu bờ. Hai nội dung được thực hiện tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát.

2.2. Phương pháp thực hiện

Mô hình được triển khai theo phương thức có sự tham gia của người nông dân, trong đó nông hộ tham gia phải đảm bảo các tiêu chí về tuổi cây, diện tích thực hiện, nhân công, khả năng tài chính đối ứng. Hiệu quả của mô hình được đánh giá thông qua năng suất thực thu và hiệu quả kinh tế của nông hộ trên đơn vị canh tác hoặc trên sản phẩm tiêu thụ được. Tổ chức hội nghị thăm quan đầu bờ, tại điểm triển khai nhằm giới thiệu hiệu quả    và quảng bá hiệu quả của mô hình cho người dân vùng dự án và các vùng xung quanh.

3. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Các vườn Dừa Xiêm trước khi đưa vào xây dựng mô hình theo hướng hữu cơ có những tồn tại như cây sinh trưởng bình thường, hai đối tượng sâu bệnh hại chính như bọ dừa và bệnh đốm là gây hại mức độ khá cao. Vườn dừa thu hoạch tập trung chủ yếu vào mùa mưa và giảm trong giai đoạn từ tháng 6-9. Vì vậy trong quá trình tác động các biện pháp kỹ thuật sẽ tập trung những kỹ thuật bón phân tưới nước để năng suất vườn dừa thu tập trung vào tháng 6-9   vì đây là giai đoạn có giá bán cao. Sau khi áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh theo hướng hữu cơ, kết quả thu được rất khả quan. vườn dừa trong mô hình sinh trưởng tốt Chiều cao cây dao động từ 5,5m-5,8m, số lá xanh/cây từ 28,2 lá- 31,5 lá, số lá mọc thêm hàng/năm từ 10,8 lá -12,9 lá. Số mo/cây dao động từ 10,4-12,6 mo. Số buồng cho thu hoạch/năm dao động từ 8,8-9,2 buồng. Số quả thu hoạch/buồng biến động trong khoảng 9,2-10,8 quả. Số qủa cho thu hoạch/cây/năm trong khoảng 101,5/quả/cây/năm tương ứng 20.300 quả/ha.

Mô hình được chăm sóc theo hướng hữu cơ nên sâu bênh xuất hiện gây hại ít và hầu như không ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm của mô hình. Sâu bệnh gây hại trên vườn dừa chủ yếu là sâu đầu đen, kiến vương và đuông dừa. Tỷ lệ gây hại của sâu đầu đen là 4,7%, tỷ lệ gây hại của kiến vương 1,3%, tỷ lệ gây hại của đuông dừa là1,5 – 2,0%, bệnh thối đọt gây bệnh ở mức độ nhẹ tỷ lệ bệnh là 1,4 %

Hiệu quả kinh tế của mô hình theo hướng hữu cơ cao hơn mô hình đối chứng ngoài dân. Tổng chi phí cho 01 ha trong mô hình là 48,300 triệu đồng/ha. Năng suất trung bình đạt 20.300 quả/ha, giá bán trung bình 8.000 đồng/quả; tổng doanh thu là 126,400 triệu đồng/ha và lợi nhuận đạt 114,100 triệu đồng/ha; tỷ suất lãi so với vốn đầu tư là 236,2% cao hơn so với ngoài mô hình  lần lượt là: chi phí cao hơn 12,300 triệu đồng/ha, doanh thu cao hơn 35,650 triệu đồng/ha; lợi nhuận cao hơn 23,350 triệu/ha. Tuy nhiên vì đây là năm đầu tiên thay đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang canh tác theo hướng hữu cơ nên tỷ suất lãi so với vốn đầu tư của mô hình thấp hơn ngoài mô hình, nhưng lợi ích nó mang lại rất lớn. Đặc biệt đối với môi trường và chất lượng sản phẩm.

 Ngoài ra trong phạm vi nhiệm vụ đơn vị chuyên môn đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giám sát nông dân về kỹ thuật canh tác dừa theo hướng hữu cơ, tất cả các hộ tham gia đều nắm vững kỹ thuật thâm canh cây dừa dừa xiêm theo hướng hữu cơ và có thể truyền tải những thông tin này cho các hộ nông dân trồng dừa trong vùng.

4. KẾT LUẬN

Kết quả cây trong mô hình thâm canh sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 20,300 quả/ha/năm, lợi nhuận đạt trên 114,100 triệu đồng/ha, cao hơn 35,650 triệu so với ngoài mô hình.

Sử dụng kết quả của mô hình thâm canh cây Dừa Xiêm theo hướng hữu cơ để tuyên truyền, nhân rộng trên địa bàn các xã của huyện.


Tác giả: Nguyễn Văn Lê (Phòng NN&PTNT huyện)
Nguồn:phucat.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật