Vụ lúa Ðông Xuân 2024 - 2025: Ðiều chỉnh lịch gieo sạ phù hợp, chủ động phòng trừ sâu bệnh
Từ ngày 10 - 25.12, nông dân trong tỉnh sẽ đồng loạt gieo sạ vụ Ðông Xuân 2024 - 2025 trên các chân ruộng 2 vụ/năm. Hiện bà con đang tích cực cày ải ngâm đất, xử lý mầm bệnh, diệt chuột..., nhằm chuẩn bị tốt nhất cho vụ sản xuất chính của cây lúa.
Hướng tới vụ mùa bội thu
Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2024 của tỉnh Bình Định ước đạt hơn 92.300 ha (đạt 99,7% kế hoạch), giảm 385 ha so với năm trước, nhưng năng suất bình quân ước đạt 70,1 tạ/ha (tăng 1,2 tạ/ha); sản lượng ước đạt hơn 647,7 nghìn tấn, tăng hơn 8.800 tấn so cùng kỳ. Năm 2025, toàn tỉnh sẽ gieo trồng hơn 90.700 ha lúa, trong đó vụ Đông Xuân 2024 - 2025 chiếm hơn 46.300 ha.
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), để đảm bảo vụ Đông Xuân 2024 - 2025 đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT đã sớm ban hành lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa phù hợp. Cơ cấu giống vụ Đông Xuân năm nay không thay đổi nhiều, ngành Nông nghiệp tiếp tục ưu tiên giống lúa phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu địa phương, kháng sâu bệnh, năng suất cao, phù hợp nhu cầu thị trường như VNR 20, Đài Thơm 8, ĐB 6, ĐV 108... Ngoài ra, giống lúa lai Nhị ưu 838 và HYT 100 vẫn được sử dụng.
Nông dân ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) cày ải đất ngâm diệt mầm mống sâu bệnh hại trước khi bước vào gieo sạ vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Ảnh: TRỌNG LỢI
Đầu tháng 12, phóng viên ghi nhận không khí khẩn trương trên các cánh đồng ở các huyện, thị xã như Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân và Hoài Nhơn. Chị Nguyễn Thị Vân, ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân), chia sẻ: Gia đình tôi sẽ gieo sạ 6 sào (500 m²/sào) với giống lúa ĐV 108 hoặc Đài Thơm 8. Những giống này không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương mà còn cho năng suất cao. Mặc dù năm nay lượng mưa ít hơn so với những năm trước, nhưng vụ Đông Xuân vẫn được đảm bảo đủ nước tưới nhờ nguồn nước từ hồ Vạn Hội.
Giá lúa giống tăng nhẹ Giá lúa giống phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025 trong tỉnh tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg (tùy loại) so với vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Theo bà Đỗ Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Nhung (phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn), giá lúa giống ĐV 108 đang bán giá 16.000 đồng/kg; VNR 20 hay Bắc Thịnh giá 26.000 đồng/kg… |
Tại huyện Hoài Ân, tổng diện tích đất lúa vụ Đông Xuân này là 4.050 ha, giảm 6 ha so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dự án cao tốc Bắc - Nam. Đến nay công tác chuẩn bị cho vụ Đông Xuân (chân ruộng 2 vụ) đã hoàn tất và bà con sẽ tiến hành gieo sạ từ ngày 12 - 18.12. Trước đó, chân ruộng 3 vụ, bà con đã gieo sạ gần 100 ha. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng lo ngại là lượng nước tích được tại 3 hồ thủy lợi trên địa bàn huyện (Thạch Khê, An Đôn và Đá Bàn) hiện chỉ đạt 50 - 60% dung tích, điều này có thể ảnh hưởng đến việc cấp nước sản xuất trong những tháng tiếp theo.
“Huyện đã khuyến cáo nông dân sử dụng nước tiết kiệm và chú trọng tưới hợp lý để bảo đảm đủ nước cho vụ Hè Thu 2025”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho hay.
Chủ động diệt trừ sâu bệnh
Với diện tích gieo sạ lên tới 7.130 ha trong vụ Đông Xuân (giảm 190 ha so với năm trước), Tuy Phước là một trong vài huyện trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh. Do đối mặt với một số khó khăn về điều kiện thời tiết và nguồn nước, huyện chủ động điều chỉnh lịch gieo sạ phù hợp với thực tế, nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ có thể gây ra.
Ông Phạm Quang Ân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết, trong năm 2025, dự báo thời tiết sẽ diễn biến bất lợi, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, vì vậy huyện chủ động tổ chức phòng trừ sâu bệnh, quyết tâm đạt mục tiêu năng suất 76 tạ/ha.
Vụ Đông Xuân 2024 - 2025 có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất, linh hoạt điều chỉnh thời điểm gieo sạ phù hợp với điều kiện thời tiết, đồng thời chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai. Công tác diệt chuột cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là trước khi bước vào vụ sản xuất.
Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh được yêu cầu thực hiện kịp thời và hiệu quả, đặc biệt đối với các đối tượng như rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh đạo ôn. Ngoài ra, việc áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), canh tác lúa cải tiến (ICM) và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) được phổ biến rộng, động viên áp dụng với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Bà con nông dân cũng được lưu ý chú trọng việc sử dụng giống lúa đảm bảo chất lượng, đồng thời tuân thủ mật độ gieo sạ hợp lý để đạt năng suất cao và bền vững.
Tiêu hủy 306 m2 lúa Đông Xuân gieo sạ không đúng lịch thời vụ
Ngày 2.12, tổ công tác của UBND xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) và Ban nhân dân thôn Phụng Sơn đã tổ chức tiêu hủy 306 m2 lúa Đông Xuân 2024 - 2025 vừa gieo sạ không đúng lịch thời vụ tại cánh đồng của ông Ng.Th.S. ở xóm 1, thôn Phụng Sơn.
Theo kế hoạch, lịch thời vụ sản xuất Đông Xuân năm 2024 - 2025, xã Phước Sơn bắt đầu gieo sạ từ ngày 10.12 trở đi, nhưng hộ ông S. đã tự ý làm đất, gieo sạ trước lịch thời vụ, gây nguy cơ phát sinh sâu bệnh tăng cao và ảnh hưởng đến công tác điều tiết nước tưới.
THIÊN KHÁNH