A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII: Góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Sáng 25.11, tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), đại biểu Đặng Công Lý (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã phát biểu góp ý một số vấn đề có liên quan. Dưới đây là ý kiến của đại biểu Đặng Công Lý.

ĐB Đặng Công Lý phát biểu góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.


Về cơ bản tôi thống nhất với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được trình ra Quốc hội kỳ này. Theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, cũng như trong quá trình áp dụng vào thực tiễn công tác xét xử tại tòa án, tôi có một số ý kiến góp ý, đề xuất như sau:

Về thời hiệu thừa kế (Điều 644 Dự thảo Luật)

Dự thảo Luật bỏ quy định thời hiệu khởi kiện để xác nhận quyền thừa kế, bác bỏ quyền thừa kế của người khác và yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà chỉ còn quy định về thời hạn yêu cầu chia di sản thừa kế. Theo quy định tại Điều 644 Dự thảo thì thời hạn yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định trường hợp “thế nào là ngay tình” quy định tại khoản 2 Điều 644 là rất khó khăn. Chẳng hạn người thừa kế di sản, người đang quản lý di sản đã ở trên mảnh đất đó (mảnh đất di sản thừa kế) trước hoặc sau thời điểm mở thừa kế đến khi có tranh chấp thì có được xác định là chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai hay không?

Thực tiễn giải quyết tranh chấp di sản thừa kế tại tòa án trong những năm qua cho thấy, hàng ngàn trường hợp người không thuộc diện thừa kế nhưng vẫn là người đang quản lý, sử dụng di sản. Nếu xác định những trường hợp trong ví dụ trên là chiếm hữu không ngay tình, liên tục, công khai (tức là việc chiếm hữu của họ không có căn cứ pháp luật, không ngay tình) thì tất cả những di sản này sẽ thuộc về Nhà nước (điểm b khoản 2 Điều 644 Dự thảo Luật); tôi cho rằng quy định này là không phù hợp với thực tế, không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền sở hữu, quyền dân sự của công dân, và chỉ có thể hạn chế quyền của công dân trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Có thể nói, đây là quy định mới nhằm mục đích giải quyết những hạn chế của pháp luật trước đây về hết thời hiệu yêu cầu chia di sản, nhưng nếu quy định này đi vào thực tiễn thì sẽ gây xáo trộn, bức xúc lớn trong xã hội, đặc biệt là từ những người đang quản lý, chiếm hữu di sản, vì những di sản thừa kế nếu không được người thừa kế đòi lại thì di sản được sử dụng ổn định, nay lại chuyển thành tài sản của Nhà nước.

Việc quy định thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, theo tôi là mâu thuẫn với các quy định khác trong Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự. Theo quy định tại Điều 636 Bộ luật dân sự hiện hành (Điều 635 Dự thảo Luật) về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Trong các quyền và nghĩa vụ về tài sản có quyền sở hữu tài sản (di sản) do người chết để lại. Như vậy, ngay từ thời điểm mở thừa kế đã phát sinh quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản của những người thừa kế mà theo Hiến pháp năm 2013 thì quyền sở hữu và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Có nghĩa là quyền sở hữu tài sản của người dân được pháp luật bảo hộ không có thời hạn; trong khi đó Điều 644 quy định thời hạn của người dân được hưởng quyền này là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản là chưa phù hợp về mặt lý luận cũng như thực tiễn.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 159 của Bộ luật tố tụng dân sự thì tranh chấp quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Có nghĩa là sau khi người chết để lại tài sản thì di sản này đã thuộc quyền sở hữu của những người hưởng di sản và những người hưởng di sản có quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản đó mà không phụ thuộc vào thời hiệu yêu cầu chia di sản. Vì vậy, việc quy định thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản như Dự thảo cần phải được xem xét và cân nhắc kỹ.

Đồng thời, việc quy định như Điều 644 Dự thảo chưa giải quyết được những hạn chế của pháp luật hiện hành về thời hiệu chia di sản thừa kế cũng như những bức xúc của người dân trong những năm qua. Thời gian qua, tòa án nhân dân đã giải quyết hàng chục ngàn vụ án liên quan đến yêu cầu chia di sản, công nhận hay bác bỏ quyền yêu cầu chia di sản. Tuy nhiên, đã có hàng chục ngàn vụ án đã được tòa án trả lại đơn, đình chỉ vụ án hoặc tạm giao quyền quản lý di sản cho những người đang quản lý di sản vì lý do hết thời hiệu chia di sản. Nếu căn cứ theo quy định tại Điều 644 của Dự thảo Luật thì những trường hợp hiện nay di sản đang hết thời hiệu yêu cầu chia, chưa được tòa án giải quyết và đang do một trong những đồng thừa kế hoặc không phải là người thừa kế chiếm hữu, quản lý, sử dụng thì vẫn chưa có phương án giải quyết.

Có thể nói đây là một trong những loại việc gây bức xúc lớn của người dân đối với tòa án trong thời gian qua vì lý do tòa án đã không giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế cho họ vì lý do hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế, trong khi đó di sản đang do người không phải là người được thừa kế quản lý, sử dụng; nhiều trường hợp còn được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu.

Chúng tôi rằng, trước khi thông qua Luật này, Quốc hội cần có quy định cụ thể về trường hợp này, có thể ban hành một Nghị quyết riêng hoặc quy định ngay trong Bộ luật dân sự này việc xử lý các trường hợp chia di sản thừa kế khi thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế đã hết theo quy định trước đây của Bộ luật dân sự năm 2005. Quy định này sẽ vừa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của tòa án nhân dân hiện nay, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền sở hữu, quyền dân sự của người dân, từ đó giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn tranh chấp phức tạp về đòi lại di sản thừa kế trong nhân dân hiện nay.

Về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 145)

Trong trường hợp này, những năm qua, thực tiễn xét xử tại tòa án thường gặp, đây là một trong những vấn đề hết sức phức tạp trong việc giải quyết vụ án.

Khoản 1 Điều 145 quy định “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 184 của Bộ luật này”. Điều 184 quy định “Chủ sở hữu, chủ thể có vật quyền khác có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”. Theo chúng tôi, quy định này nên được cân nhắc thêm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, theo quy định trên đây thì quyền lợi của người thứ ba ngay tình sẽ không được bảo vệ khi chủ sở hữu đòi lại động sản không phải đăng ký do người chiếm hữu ngay tình có được thông qua hợp đồng không có đền bù và trường hợp động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu là không hợp lý. Bởi vì, mặc dù quyền của chủ sở hữu tài sản nên được pháp luật bảo vệ, song trong trường hợp chủ sở hữu tài sản   không chứng minh được tư cách chủ sở hữu của mình thì quyền đòi lại tài sản nên bị bác bỏ, và trong trương hợp này quyền lợi của người thứ ba ngay tình nên được bảo vệ. Bởi về bản chất thì đối với động sản không đăng ký quyền sở hữu, pháp luật không bắt buộc người chiếm hữu phải biết chiếm hữu là hợp pháp hay không, do vậy người thứ ba ngay tình trong trường hợp này cũng không thể biết việc họ chiếm hữu động sản không đăng ký là không có căn cứ pháp luật. Do vậy, nếu chủ sở hữu tài sản không chứng minh được tư cách của mình, thì quyền lợi của người thứ ba ngay tình nên được bảo vệ là phù hợp hơn.

Thứ hai, liên quan đến quy định về quyền đòi lại động sản của chủ sở hữu (tại Điều 184). Cơ quan soạn thảo cũng nên bổ sung thêm quy định hạn chế quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu, nếu người thứ ba ngay tình chiếm hữu tài sản liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm thì chủ sở hữu tài sản không được quyền đòi lại tài sản để thống nhất với quy định tại Điều 175 Dự thảo. (Điều 175 Dự thảo quy định: “người chiếm hữu, người được lợi về động sản, không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”.

 

Theo baobinhdinh.com.vn



Tin nổi bật Tin nổi bật