Cấp bù lãi suất tín dụng phát triển thủy sản
Ảnh minh họa.
Theo dự thảo, các ngân hàng thương mại được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này khi đáp ứng được đầy đủ 2 điều kiện sau:
Một là, thực hiện chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hai là, các khoản cho vay được cấp bù lãi suất là các khoản cho vay trong hạn (bao gồm cả các khoản vay được gia hạn nợ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP). Trường hợp các khoản vay không được trả nợ gốc và lãi đúng hạn bị chuyển sang nợ quá hạn do nguyên nhân chủ quan thì số dư nợ gốc không trả nợ đúng hạn không được cấp bù lãi suất kể từ ngày quá hạn.
Lãi suất cấp bù năm đầu tiên 7%/năm
Theo dự thảo, mức lãi suất các ngân hàng thương mại được ngân sách nhà nước cấp bù cụ thể như sau: Đối với năm đầu tiên tính từ ngày đối tượng ký kết vốn vay với ngân hàng thương mại, mức lãi suất ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại cho vay là 7%/năm. Trường hợp mặt bằng lãi suất cho vay giảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thì mức lãi suất ngân sách nhà nước cấp bù là lãi suất cho vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Đối với những năm tiếp theo, ngân sách nhà nước cấp bù phần chênh lệch giữa lãi suất ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chủ tàu phải trả theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Trường hợp mặt bằng lãi suất cho vay giảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thì lãi suất cho vay làm căn cứ cấp bù là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo cho Bộ Tài chính mức lãi suất cho vay để làm căn cứ cấp bù lãi suất khi điều chỉnh lãi suất cho vay theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Ngày 7/7/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Nghị định nêu rõ, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.Còn trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản, trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (phần máy bổ sung hoặc thay thế phải là máy mới 100%): Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu, bao gồm cả chi phí gia cố vỏ tàu, chi phí mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới phục vụ khai thác hải sản (nếu có) với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. |
Theo chinhphu.vn