Điều kiện thành lập Quỹ phát triển KHCN bộ, ngành, địa phương
Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Luật Khoa học và công nghệ, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Bộ), UBND cấp tỉnh (Tỉnh) thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để phục vụ yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ của mình.
Quỹ được thành lập nhằm mục đích tài trợ, cấp kinh phí cho việc thực hiện nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; tài trợ, cấp kinh phí cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng; cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi để thực hiện việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống; bảo lãnh vốn vay đối với một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt; hỗ trợ nhà khoa học trẻ tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ.
Vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng
Dự thảo cũng nêu rõ điều kiện thành lập Quỹ. Cụ thể, về nguồn vốn, ngân sách nhà nước cấp lần đầu, vốn bổ sung hàng năm được phân bổ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học, kinh phí đóng góp từ quỹ phát triển khoa học công nghệ của Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc và khả năng huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước hợp pháp đảm bảo Quỹ hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả.
Quy mô vốn điều lệ của Quỹ do Bộ hoặc Tỉnh quyết định căn cứ theo nhu cầu, khả năng hoạt động của Quỹ và khả năng đáp ứng của Bộ hoặc Tỉnh. Số vốn điều lệ tối thiểu phải có tại thời điểm thành lập là 5 tỷ đồng.
Bộ hoặc Tỉnh phải có nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học dành cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ hoặc Tỉnh hàng năm tối thiểu là 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Quỹ huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đảm bảo tỷ lệ vốn ngoài ngân sách trên tổng nguồn vốn của Quỹ tối thiểu đạt 10% sau 3 năm hoạt động.
Trường hợp 3 năm liên tiếp Quỹ không thể duy trì số kinh phí tối thiểu từ các nguồn kinh phí ngân sách và ngoài ngân sách, Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND Tỉnh xem xét, quyết định giải thể hoặc duy trì Quỹ trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Về nhân lực của Quỹ, dự thảo nêu rõ, đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là Lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Giám đốc Quỹ là Lãnh đạo đơn vị quản lý về khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là Lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Giám đốc Quỹ là Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ.
Các vị trí nhân sự khác được tuyển dụng, điều động trên cơ sở điều tiết trong phạm vi tổng biên chế sự nghiệp hiện có của Bộ hoặc Tỉnh, không làm tăng thêm biên chế và chi phí quản lý.
Theo dự thảo, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đủ điều kiện thành lập Quỹ, có trách nhiệm xây dựng Đề án thành lập Quỹ Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Trường hợp Quỹ của Bộ và Tỉnh đã được thành lập đảm bảo đúng các điều kiện quy định, được giữ nguyên như hiện hành về nguồn vốn, về biên chế và về cơ sở vật chất. Trường hợp Bộ và Tỉnh đã thành lập Quỹ nhưng chưa đáp ứng đủ các điều kiện quy định, Bộ và Tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh thỏa mãn các điều kiện nói trên trong vòng 1 năm kể từ khi Quyết định có hiệu lực. Trường hợp không thể đáp ứng điều kiện thành lập Quỹ, Bộ và Tỉnh xem xét giải thể Quỹ theo quy định.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện lấy ý kiến góp ý dự thảonày.
Theo chinhphu.vn