A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với VAMC

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)

Ảnh minh họa


Theo dự thảo, vốn hoạt động của VAMC bao gồm vốn điều lệ 500 tỷ đồng; Quỹ đầu tư phát triển được trích theo chế độ quy định; vốn khác thuộc sở hữu hợp pháp của VAMC; trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các nguồn vốn huy động khác theo quy định.

Việc sử dụng vốn, tài sản của VAMC được nêu rõ tại dự thảo. Cụ thể, VAMC được sử dụng vốn hoạt động để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn.

Dự thảo nêu rõ, trái phiếu đặc biệt chỉ được sử dụng để mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 7 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. VAMC được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp của VAMC ngoại trừ trái phiếu đặc biệt để mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. Hội đồng thành viên của VAMC xây dựng phương án mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi thực hiện.

Theo dự thảo, VAMC chỉ được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản) dưới các hình thức sau: Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng trong nước; tham gia góp vốn, mua cổ phần để cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 12 và khoản 4, Điều 16 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. Việc góp vốn, mua cổ phần thực hiện theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khoản nợ VAMC mua theo giá trị thị trường khi chuyển thành vốn góp, vốn cổ phần được xác định là một khoản đầu tư. VAMC thực hiện theo dõi và hạch toán khoản đầu tư này theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, VAMC được sử dụng vốn để đầu tư, cung cấp tài chính cho khách hàng vay để xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 53/2013/NĐ-CP trong trường hợp đánh giá khách hàng có khả năng hoàn trả khoản đầu tư, cung cấp tài chính của VAMC đúng hạn.

Đồng thời, VAMC thực hiện trích lập các khoản dự phòng trong chi phí theo quy định.

Ngày 26/7/2013, lễ khai trương hoạt động của VAMC đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước thành lập VAMC nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.

VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, căn cứ năng lực tài chính của VAMC, hiệu quả kinh doanh kinh tế và điều kiện thị trường, VAMC được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt đối với các khoản nợ xấu đáp ứng đủ các điều kiện quy định.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật