A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hình thành ngành công nghiệp titan trước năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1546/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030.


Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan đồng bộ và bền vững theo hướng hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và trật tự an toàn xã hội.


Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với lộ trình và quy mô hợp lý nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế đất nước từng thời kỳ; trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo thu hồi tối đa các thành phần có ích trong quặng titan, tiết kiệm năng lượng; phát triển ngành công nghiệp titan đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ (vận tải, cảng biển, điện, nước, dịch vụ hậu cần kỹ thuật...); từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ tuyển chế biến sâu quặng titan gắn với công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp khai thác, chế biến, trước hết tại vùng tập trung tài nguyên quặng titan ở Bình Thuận và Ninh Thuận.


Theo đó, đến năm 2020: Hình thành ngành công nghiệp titan với các sản phẩm chế biến sâu đến pigment và titan xốp; đảm bảo nhu cầu trong nước về pigment; xuất khẩu các sản phẩm xỉ titan, titan xốp, muối zircon oxychloride. Đến năm 2030: Phát triển ngành công nghiệp titan ổn định và bền vững với Trung tâm khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn, công nghệ tiên tiến tại Bình Thuận; tập trung và ưu tiên phát triển các sản phẩm pigment, titan xốp, titan kim loại và titan hợp kim phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.


Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 sẽ hoàn thành thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ titan, đảm bảo trữ lượng tin cậy cho việc đầu tư các dự án khai thác, chế biến titan; xây dựng và đưa vào hoạt động một số nhà máy chế biến xỉ titan, rutin nhân tạo tại 04 vùng quy hoạch (Khu vực Thái Nguyên; Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế; Quảng Nam - Bình Định - Phú Yên và Ninh Thuận - Bình Thuận) với tổng công suất chế biến dự kiến là: ilmenit hoàn nguyên 60 nghìn tấn/năm; xỉ titan khoảng 945 nghìn tấn/năm; rutin nhân tạo 60 nghìn tấn/năm; zircon mịn và siêu mịn 152 nghìn tấn/năm.


Tiếp đó, mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 là hình thành ngành công nghiệp titan với các sản phẩm chế biến sâu đến pigment và titan xốp; đảm bảo nhu cầu trong nước về pigment; xuất khẩu các sản phẩm xỉ titan, titan xốp, muối zircon oxychloride. Tổng công suất chế biến dự kiến đến năm 2020 là: ilmenit hoàn nguyên 60 nghìn tấn/năm; xỉ titan 989 nghìn tấn/năm; rutin nhân tạo 120 nghìn tấn/năm; zircon siêu mịn 194 nghìn tấn/năm; pigment 240 nghìn tấn/năm; ferro titan 20 nghìn tấn/năm, ti tan xốp 20 nghìn tấn/năm.


Trong giai đoạn đến năm 2030, sẽ phát triển ngành công nghiệp titan ổn định và bền vững với Trung tâm khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn, công nghệ tiên tiến tại Bình Thuận; tập trung và ưu tiên phát triển các sản phẩm pigment, titan xốp, titan kim loại và titan hợp kim phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu,v.v...


Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/9/2013.

 

Theo baocongthuong.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật