Hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán
Ảnh minh họa.
Thông tư quy định, các loại dịch vụ trung gian thanh toán gồm: Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (gồm dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử) và dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (gồm dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử, dịch vụ Ví điện tử).
Quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật
Thông tư nêu rõ, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ và tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác.
Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, phải tuân thủ các quy định về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.
Đảm bảo khả năng thanh toán
Tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng các dịch vụ này. Số dư trên tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số tiền đã nhận của khách hàng mà chưa thực hiện thanh toán cho đơn vị chấp nhận thanh toán (đối với dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ) hoặc tổng số dư của tất cả các Ví điện tử của các khách hàng (đối với dịch vụ Ví điện tử) tại cùng một thời điểm.
Tài khoản đảm bảo thanh toán chỉ được sử dụng vào việc thanh toán tiền cho các đơn vị chấp nhận thanh toán; hoàn trả tiền cho khách hàng sử dụng dịch vụ khi có yêu cầu.
Không được phép phát hành hơn 1 Ví điện tử cho 1 tài khoản
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép phát hành hơn 1 Ví điện tử cho 1 tài khoản thanh toán của khách hàng tại một ngân hàng và cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử.
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát theo thời gian thực hiện tổng số tiền của khách hàng trên các Ví điện tử và tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử tại các ngân hàng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2015.
Theo chinhphu.vn