A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lấy ý kiến người học về việc dạy của giảng viên

Người học có thể phản hồi về nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên; trách nhiệm, sự nhiệt tình của giảng viên đối với người học và thời gian giảng dạy của giảng viên; khả năng của giảng viên trong việc khuyến khích sáng tạo, tư duy độc lập của người học trong quá trình học tập; sự công bằng của giảng viên trong kiểm tra đánh giá quá trình và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học...

Ảnh minh họa.


Nội dung trên được đưa ra tại dự thảo quy định việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo.

Cũng theo dự thảo, người học còn có thể phản hồi về một số nội dung khác như: Tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập và việc sử dụng phương tiện dạy học của giảng viên; năng lực của giảng viên trong tổ chức, hướng dẫn và tư vấn hoạt động học cho người học; tác phong sư phạm của giảng viên và các vấn đề khác (nếu cần thiết).

Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải công khai các yêu cầu đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên theo các nội dung trên để người học có cơ sở khi cung cấp thông tin phản hồi về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc lấy ý kiến phản hồi trên nhằm góp phần thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục đại học; xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao, có phương pháp và phong cách giảng dạy tiên tiến, hiện đại.

Đồng thời, tạo thêm kênh thông tin giúp giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học với quyền lợi, nghĩa vụ học tập, rèn luyện của bản thân; tạo điều kiện để người học được phản ánh tâm tư, nguyện vọng, được thể hiện chính kiến của mình về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

7 bước lấy ý kiến

Theo dự thảo, việc tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên được thực hiện qua 7 bước: 1- Thông báo của cơ sở giáo dục đại học về kế hoạch thực hiện chung; 2- Lập danh sách giảng viên, danh mục các học phần, tín chỉ, tổng số người học đối với mỗi học phần, tín chỉ mà giảng viên giảng dạy; 3- Xác định quy mô tối thiểu số người học tham gia đánh giá đối với mỗi học phần, tín chỉ mà giảng viên giảng dạy; 4- Tổ chức để người học thực hiện trên phiếu, không phát phiếu nếu số người học nhận phiếu thấp hơn quy mô tối thiểu; 5- Thu phiếu, phân loại phiếu và xử lý số liệu thống kê; 6- Sử dụng kết quả thống kê; 7- Thực hiện chế độ lưu trữ theo quy định chung.

Dự thảo nêu rõ, kết quả thống kê thông tin phản hồi từ người học có thể được sử dụng đểgiảng viên nghiên cứu từ đó điều chỉnh hoạt động giảng dạy, xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng của bản thân. Kết quả này còn có thể được bộ môn, khoa tham khảo để phân công giảng dạy, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giảng viên; hoặc cơ sở giáo dục đại học tham khảo để xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2011, tổng số giảng viên giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước là trên 70.000 người.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu khi tiến hành lấy ý kiến phải đảm bảo truyền thống tôn sư trọng đạo và những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; nội dung, công cụ đánh giá phải phản ánh đầy đủ, khách quan về hoạt động giảng dạy của giảng viên; kết quả xử lý thông tin phản hồi từ phía người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên phải chính xác, tin cậy.

Đồng thời, người học phải khách quan, công bằng, trung thực và có thái độ đúng mực trong việc cung cấp thông tin phản hồi về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Giảng viên cũng phải tôn trọng, có tinh thần cầu thị trước kết quả xử lý thông tin phản hồi từ phía người học về hoạt động giảng dạy của bản thân.

 Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật