Thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Bộ Tài chính - Ảnh minh họa.
Theo Bộ Tài chính, quy định này sẽ được áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện cổ phần hóa bao gồm: Cơ sở đào tạo, giáo dục (đại học, cao đẳng, trung cấp); bệnh viện; trung tâm y tế; viện.
3 hình thức cổ phần hóa
Theo Dự thảo, các tập đoàn, tổng công ty nhà Nước quyết định lựa chọn các đơn vị sự nghiệp công lập đủ các điều kiện sau để báo cáo Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm cổ phần hóa: 1- Tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện cổ phần hóa. 2- Có ý kiến thống nhất của các tổ chức, đoàn thể tại đơn vị.
Bộ Tài chính cho biết, thực tế khảo sát về mức độ tự chủ tài chính và tình hình tài sản tại 41 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 7 tập đoàn và 11 tổng công ty Nhà nước trực thuộc các Bộ cho thấy, về tự chủ tài chính, có 30 đơn vị tự bù đắp chi phí (không bao gồm Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam nay sẽ chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông và 2 Tạp chí), trong đó: 22 đơn vị có số thu lớn hơn chi; 8 đơn vị có số thu bằng chi; 8 đơn vị không tự bù đắp được chi phí.
Qua số liệu khảo sát nêu trên, Bộ Tài chính thấy rằng các đơn vị sự nghiệp công lập tự bù đắp được chi phí là 30 đơn vị có thể thực hiện thí điểm cổ phần hóa.
Về hình thức cổ phần hóa và phương thức bán cổ phần lần đầu, theo Dự thảo, các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa theo các hình thức sau: 1- Giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có tại các đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; 1- Bán một phần vốn Nhà nước hiện có; 3- Kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Việc bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo các hình thức: Bán đấu giá công khai và thỏa thuận trực tiếp.
Nhiều chính sách ưu đãi
Theo dự thảo, đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa sẽ được nhiều ưu đãi như: Được miễn lệ phí trước bạ đối với việc chuyển những tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập thành sở hữu của công ty cổ phần; được miễn lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; được ký lại các hợp đồng thuê đất, thuê nhà cửa, vật kiến trúc của các cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai; được duy trì và phát triển quỹ phúc lợi dưới dạng hiện vật như các công trình văn hóa, câu lạc bộ, bệnh xá, nhà điều dưỡng, nhà trẻ để đảm bảo phúc lợi cho người lao động trong công ty cổ phần; được hưởng các ưu đãi theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Đối với đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ khi chuyển sang công ty cổ phần còn được áp dụng các ưu đãi quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, đặc thù các đơn vị sự nghiệp công lập là cơ sở đào tạo, bệnh viện, viện... nên yếu tố con người rất quan trọng. Để khuyến khích người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và chủ đề tài nghiên cứu khoa học, bằng phát minh sáng chế đã được ứng dụng thì ngoài chính sách ưu đãi cho người lao động được áp dụng như quy định đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần cho phép người lao động thuộc các đối tượng này có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 5 năm (kể từ ngày đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) được mua thêm theo mức 800 cổ phần/1 năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 8.000 cổ phần cho một người lao động (theo quy định tại Nghị định số59/2011/NĐ-CP của Chính phủ thì người lao động thuộc đối tượng này có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 3 năm được mua 500 cổ phần/1 năm cam kết, số lượng cổ phần mua không quá 5.000 cho 1 người lao động).
Tại Dự thảo Quyết định này cũng quy định trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đã cam kết thì công ty cổ phần thanh toán lại số tiền đã bỏ ra mua cổ phần sau khi trừ đi các phần lợi ích người lao động đã được hưởng từ số cổ phần mua ưu đãi. Công ty cổ phần được giữ lại số cổ phần trên để bán cho người lao động được tuyển dụng mới.
Theo chinhphu.vn