A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ 20/11, tăng mức phạt vận chuyển, nhân nuôi ốc bươu vàng

Đây là một trong những điểm mới của Nghị định 114/2013/NĐ-CP, thay thế Nghị định 26/2003/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ hôm nay (20/11). Theo đó, hành vi vận chuyển, nhân nuôi ốc bươu vàng, nếu phát hiện, sẽ bị xử phạt đến 6 triệu đồng và buộc phải tiêu hủy theo quy định.

Ảnh minh họa.

Trong hơn 10 năm qua, Nghị định 26/2003/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật với các quy định tương đối đầy đủ, chế tài xử phạt rõ ràng, minh bạch đã góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế, xã hội và việc ban hành nhiều văn bản mới, Nghị định 26/2003/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập như: Một số hành vi vi phạm hành chính về kiểm dịch thực vật, về sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật mức xử phạt còn thấp, chưa quy định một cách cụ thể hoặc còn thiếu so với các quy định mới.

Để khắc phục một số hạn chế trên và đảm bảo tính thống nhất trong các quy định, đồng thời đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Nghị định 114/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã được ban hành, Nghị định đã có nhiều điều chỉnh mới về mức xử phạt, quy định thêm các hành vi vi phạm.

Hầu hết các mức xử phạt tăng lên 2-3 lần

Nếu như Nghị định 26/2003/NĐ-CP quy định chung mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân là 30 triệu đồng thì trong Nghị định 114/2013/NĐ-CP, mức phạt cao nhất đối với cá nhân là 50 triệu đồng và 100 triệu đồng đối với vi phạm của tổ chức. Đồng thời, hầu hết các hành vi vi phạm khác đều bị tăng mức xử phạt lên 2-3 lần.

Để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, các vi phạm về kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh (Điều 20) đã bổ sung chế tài: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nếu vi phạm từ lần thứ 3 trở lên đối với hành vi vi phạm đưa vào lãnh thổ Việt Nam vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu.

Đưa vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật mà không có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu hoặc không tuân thủ các biện pháp xử lý được yêu cầu trong giấy phép.

Buộc xử lý bao bì đóng gói bằng gỗ đối với hành vi vi phạm không xử lý bao bì đóng gói bằng gỗ theo quy định hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tiêu hủy đối với trường hợp vi phạm từ lần thứ 3 trở lên.

Vi phạm quy định về sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật (Điều 24) thêm mức phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với thuốc thành phẩm không đúng xuất xứ đã đăng ký.

Phạt tiền cao nhất đến 5 triệu đồng đối với hành vi người trực tiếp bán thuốc có hành vi bán và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định (Điều 25), đồng thời, buộc thu hồi trả lại nhà sản xuất để tiêu hủy hoặc tái chế thuốc còn có khả năng tái chế đối với các loại thuốc hết hạn sử dụng, không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Quy định mới tại Điều 28 là phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng và buộc tái xuất thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật đối với hành vi vi phạm nhập khẩu thuốc và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Hành vi vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật có nhãn, nhãn phụ, tài liệu kèm theo có nội dung không đúng với Giấy Chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; không đúng với nội dung ghi trong mẫu nhãn đã được chấp thuận khi xét duyệt đăng ký (Điều 30) cũng sẽ bị phạt tối đa đến 20 triệu đồng.

Công bố thông tin doanh nghiệp vi phạm

Ngoài việc phạt tiền, sẽ công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng tên tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm gây hậu quả nặng hoặc gây dư luận xấu trong xã hội.

Hình thức xử phạt này sẽ có tác dụng răn đe và ngăn ngừa vi phạm rất hiệu quả, các tổ chức, cá nhân muốn giữ uy tín và thương hiệu của mình cần phải tuân thủ nghiêm pháp luật.

Đồng thời, người tiêu dùng cũng có thêm thông tin để lựa chọn tìm mua các sản phẩm của các doanh nghiệp có uy tín, chấp hành pháp luật tốt.

Nghị định 114/2013/NĐ-CP cũng thêm các hình thức xử phạt bổ sung khác là: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Buộc tái chế đối với những thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở lên so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định quy định Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng.

Cá nhân là Chi cục trưởng Chi cục BVTV, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành: Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật cũng có thẩm quyền xử phạt tiền tối đa đến 25 triệu đồng.

Những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật thường gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người và vật nuôi, gây nguy cơ lây lan các loại dịch hại nguy hiểm với những hậu quả lớn và khó lường đối với sản xuất nông nghiệp.

Nghị định 114/2013/NĐ-CP được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, khắc phục được những hạn chế của Nghị định 26/2003/NĐ-CP, góp phần thiết thực tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quản lý thuốc bảo vệ thực vật và phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta.

Theo chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật