|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh sát biển Việt Nam: Phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ bình yên biển, đảo Tổ quốc

Cảnh sát biển Việt Nam là LLVT nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Với phương châm “Lấy đoàn kết, hiệp đồng làm sức mạnh; lấy cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm mục tiêu; vì sự bình yên trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc làm đích đến”, qua 26 năm xây dựng và trưởng thành (28-8-1998 / 28-8-2024), dưới sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lực lượng CSB Việt Nam không ngừng phát triển, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tham mưu kịp thời, xử lý đúng đối sách

Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, xuyên suốt những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong trao đổi thông tin, nắm, đánh giá, nhận định đúng tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, nhất là các động thái liên quan đến quốc phòng, an ninh trên biển và những xu thế lớn, đặc điểm mới của thế giới, khu vực có tác động đến tình hình an ninh biển và sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Lãnh đạo Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cùng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đến thăm, tặng quà lực lượng trực phòng, chống khai thác IUU tại vùng biển tiếp giáp phía Tây Nam. Ảnh: CHU ANH

Từ đó, kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, đối sách, biện pháp trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hiệu quả, linh hoạt, đúng pháp luật các tình huống phức tạp, nhạy cảm trên biển. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và xây dựng cơ quan, đơn vị; trong bảo vệ chủ quyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm và cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ ngư dân; trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển và hợp tác quốc tế. 

Chủ động nghiên cứu, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành Luật CSB Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.

Hiệp đồng chặt chẽ, luyện tập, diễn tập các phương án tác chiến bảo vệ chủ quyền với các lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Phòng không-Không quân, Kiểm ngư, các quân khu có biển và các ban, bộ, ngành 28 tỉnh, thành phố ven biển; bảo vệ an toàn các hoạt động xây dựng, phát triển kinh tế biển. Qua đó, sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển được phát huy hiệu quả; nhiều tình huống quốc phòng, an ninh trên biển được xử lý kịp thời, đúng đối sách; thế trận quốc phòng, an ninh trên biển tiếp tục được củng cố vững chắc.

Đồng thời, từ thực tiễn công tác, thực thi nhiệm vụ trên biển, lực lượng CSB luôn tích cực, chủ động tham gia đóng góp, cung cấp nhiều luận điểm, luận chứng, luận cứ sâu sắc, xác thực, góp phần tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành, địa phương trong hoạch định chủ trương, đường lối, xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ biển, đảo; xây dựng và phát triển lực lượng thực thi pháp luật trên biển... Góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về biển, đảo; giữ vững an ninh, trật tự, an toàn và môi trường hòa bình, ổn định trên biển để thực hiện thắng lợi chiến lược quản lý, bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển

Những năm qua, lực lượng CSB Việt Nam đã thu thập, nghiên cứu, xử lý gần 11.000 tin báo nghiệp vụ các loại, xây dựng hàng trăm báo cáo tổng hợp, báo cáo chuyên đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; thường xuyên duy trì hàng chục tàu trực trên các vùng biển trọng điểm, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển của Việt Nam; kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Lãnh đạo Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cùng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đến thăm, tặng quà lực lượng trực phòng, chống khai thác IUU tại vùng biển tiếp giáp phía Tây Nam. Ảnh: CHU ANH 

Quá trình đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, cán bộ, chiến sĩ CSB luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, cám dỗ, thậm chí cả móc nối, mua chuộc. Tuy nhiên, quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 212 của Thường vụ Đảng ủy CSB về Phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”, toàn lực lượng đã giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao ý chí quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý các vụ việc vi phạm, phạm tội theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, tuyệt đối không có trường hợp chỉ đạo, yêu cầu hoặc can thiệp vào xử lý vi phạm; không để xảy ra oan sai, khiếu kiện.

Cụ thể, lực lượng CSB đã điều động, sử dụng gần 9.200 lượt/chiếc tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển và thềm lục địa của nước ta; tiến hành kiểm tra hơn 23.000 lượt tàu các loại, xử phạt vi phạm hành chính hơn 8.100 lượt/chiếc, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng; tổ chức xua đuổi hơn 6.300 lượt tàu, thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; tuyên truyền, yêu cầu 17.135 lượt/chiếc tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển của Việt Nam, ghi số hiệu 1.500 tàu, lập biên bản điểm chỉ hải đồ, phóng thích hơn 150 tàu; tiến hành bàn giao gần 150 tàu, thuyền vi phạm cho các địa phương và lực lượng chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong đó đáng chú ý là các loại hình vi phạm mới về vi phạm khai thác IUU do lực lượng CSB phát hiện, như việc tổ chức, móc nối đưa tàu cá của ngư dân trong nước đi khai thác tại vùng biển nước ngoài... Quá trình hoạt động trên biển, các tàu CSB đã phát huy tốt việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho ngư dân trên các tàu cá Việt Nam, đặc biệt là việc chấp hành nghiêm quy định chống khai thác IUU. Các đơn vị CSB đã điều động lực lượng, phương tiện cứu nạn thành công 63 tàu, thuyền với 1.082 người gặp nạn trên biển...

Tập trung xây dựng lực lượng CSB vững mạnh toàn diện

Cùng với quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên biển, Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng; kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng điều chỉnh, bổ sung lực lượng, tàu thuyền; tham mưu, đề xuất với cấp trên kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ các cấp; thực hiện tốt việc bố trí, quản lý, sử dụng quân số, điều chỉnh quân số giữa các đơn vị để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ...

Để xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng CSB vững mạnh toàn diện, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị. Nổi bật là kịp thời làm tốt công tác định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm; tích cực tuyên truyền, giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho mọi cán bộ, chiến sĩ; đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng và Phong trào Thi đua Quyết thắng... 

Hiệu quả từ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị đã góp phần giữ vững trận địa tư tưởng trong toàn lực lượng; cán bộ, chiến sĩ tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy CSB, quyết tâm đổi mới, nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác dân vận “CSB đồng hành với ngư dân”, “CSB đồng hành cùng đồng bào dân tộc, tôn giáo”; triển khai ký kết giữa Ban Thường vụ Đảng ủy CSB với ban thường vụ các tỉnh, thành phố ven biển trong hợp tác thực hiện Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”. Phấn đấu 100% cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; kiểm tra nhận thức chính trị, quân sự, pháp luật, chuyên ngành CSB hằng năm có 100% đạt yêu cầu (75% trở lên khá, giỏi, trên 15% giỏi); 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng lực lượng CSB Việt Nam giai đoạn 2021-2025; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ trình độ khai thác hiệu quả các loại trang bị hiện đại. Toàn lực lượng quyết tâm thực hiện đột phá trong đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật và xây dựng CSB hiện đại làm mục tiêu huấn luyện.

Tăng cường xây dựng chính quy, nền nếp công tác, rèn luyện kỷ luật, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính, kế hoạch và đầu tư; phấn đấu quân số khỏe trên 98,5%, trên 85% đơn vị đạt bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt, 100% đơn vị đạt chỉ tiêu tăng gia; duy trì nền nếp công tác tài chính và quản lý tài sản. Bảo đảm hệ số kỹ thuật đạt trên 95%; thực hiện tốt Cuộc vận động 50 và hai khâu đột phá của ngành kỹ thuật; thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, chú trọng làm tốt công tác dự trữ và bảo đảm hậu cần cho các cơ quan, đơn vị tuyến biển, đảo, trong đó đặc biệt là cho các biên đội tàu làm nhiệm vụ dài ngày trên biển.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương; xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt vai trò lãnh đạo; hằng năm, có trên 80% cấp ủy và tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức đảng không hoàn thành nhiệm vụ; trên 80% đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, không có đảng viên vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch hằng năm của người chỉ huy.

Cùng với đó, bám sát quan điểm, đường lối ngoại giao của trên, CSB Việt Nam đã và đang tích cực mở rộng hợp tác song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật các nước và các tổ chức quốc tế; tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động đối ngoại đa phương; là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và khu vực trong việc giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải, tích cực bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Qua đó, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong đối phó với các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Phát huy truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, CSB Việt Nam sẽ không ngừng phấn đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng tầm là lực lượng nòng cốt trong duy trì thực thi pháp luật trên biển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho lực lượng CSB.


Tác giả: Thiếu tướng LÊ QUANG ĐẠO, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
Nguồn:qdnd.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật