Phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua mạng: Nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho người dân
CA toàn tỉnh đang chú trọng tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đến người dân. Qua đó, cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu của tội phạm, các biện pháp tự phòng tránh, đối phó với tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi.
Theo CA tỉnh, gần đây, tình hình lừa đảo trên không gian mạng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Từ ngày 15.12.2023 đến nay, CA toàn tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 75 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại tài sản khoảng 70 tỷ đồng.
Theo thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh), các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường ra tay với hình thức, thủ đoạn rất tinh vi. “Chúng giả danh cơ quan pháp luật; chiếm quyền sử dụng tài khoản; giả nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cảnh báo “khóa SIM”; giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, DN… Đáng nói, tội phạm này có xu hướng chuyển từ truyền thống sang phi truyền thống, không giới hạn tuổi, vùng lãnh thổ”, thượng tá Trương Văn Phụng nói.
Trước tình hình này, CA tỉnh đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua đó, cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu của tội phạm, các biện pháp tự phòng tránh, đối phó với tội phạm trên không gian mạng.
Mới đây, CA huyện Hoài Ân phối hợp UBND xã Ân Hữu tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024. Các thông tin, đặc điểm, tình hình về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; nhận diện 16 phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng đã được truyền tải đầy đủ và sinh động đến cán bộ xã, các hội, đoàn thể của xã; trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận thôn và lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở của địa phương.
CA huyện Hoài Ân tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn và cách phòng tránh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cho người dân. Ảnh: ĐVCC
Thượng tá Lê Hồng Phương, Phó trưởng CA huyện Hoài Ân, cho biết: “Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt tại từng khu vực thôn, xóm cũng như các diễn đàn trên mạng, CA huyện chú trọng tuyên truyền, chia sẻ những thông tin, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để người dân nắm bắt, nhận diện, cảnh giác. Nội dung thiết kế đồ họa inforgraphic ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhận biết và dễ nhớ, giúp mọi người cảnh giác hơn với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng”.
Trong khi đó, Đội Cảnh sát hình sự, CA các xã, phường trên địa bàn TX An Nhơn đã trực tiếp đến từng khu phố, hộ gia đình, chợ, cơ sở kinh doanh phát các tờ rơi ghi rõ các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, nhắc nhở người dân nêu cao cảnh giác trước các thủ đoạn hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo. Cụ thể, đơn vị đã phát hơn 53.000 tờ rơi có nội dung về nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Văn Sơn (ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) cho biết cách đây nửa tháng, ông nhận cuộc gọi từ số máy lạ xưng là CA phường yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin CCCD bằng cách cài đặt ứng dụng “dịch vụ công”, nhưng ông không làm theo vì nghi ngờ đó là lừa đảo.
“Tôi đã được tuyên truyền là CA chỉ gửi giấy thông báo và làm việc trực tiếp. Hơn nữa, trước đó các đồng chí CA phường cũng đã phát cho gia đình tôi tờ rơi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo, trong đó có việc không truy cập các link, liên kết lạ; nếu nhận được cuộc điện thoại, tin nhắn có dấu hiệu bất thường thì không thực hiện theo yêu cầu đối tượng đưa ra… Nhớ vậy nên tôi đã làm theo và tránh được bị lừa đảo”, ông Sơn kể.
Có thể nói, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói chung và lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do đó, đi đôi với sự chủ động của lực lượng CA, mỗi người dân cần tự mình nêu cao tinh thần cảnh giác trước, để không biến mình thành nạn nhân tiếp theo.