A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển biến tích cực trong ý thức “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.

Dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trên địa bàn tỉnh không khó để bắt gặp hình ảnh người dân sau khi uống rượu, bia đã chủ động gọi taxi, xe công nghệ hoặc nhờ người thân đưa về thay vì tự điều khiển xe về. Đây là sự chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành quy định “Đã uống rượu bia - Không lái xe” của người tham gia giao thông, góp phần giảm nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).

Nếu trước đây, việc uống rượu bia rồi lái xe là phổ biến thì nay nhiều người dân chủ động tìm giải pháp an toàn hơn sau khi đã sử dụng rượu, bia để tham gia giao thông. Anh Nguyễn Văn Chiến ở phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn chia sẻ: “Ngày trước, khi đã uống rượu, bia, tôi vẫn tự điều khiển xe về nhà. Nhưng giờ xác định đã uống rượu, bia thì tôi sẽ nhờ người chở hoặc chủ động đặt xe công nghệ để đi về, vừa tránh bị phạt lại còn bảo vệ tính mạng cho bản thân vì tôi từng chứng kiến người thân của mình bị TNGT liên quan đến rượu, bia nên phải thay đổi thôi”.

Nhằm ghi lại thực thế tình hình thực hiện việc chấp hành quy định “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, phóng viên Báo Bình Định đã có dịp theo chân các Tổ công tác xử lý nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tại một số tuyến đường thành phố Quy Nhơn và tại Trạm BOT Bình Định, tuyến Quốc lộ 1A, thị xã An Nhơn trong một buổi chiều tối từ 17h00’ đến 21h00’. Dù lực lượng CSGT đã dừng và kiểm tra ngẫu nhiên nhiều tài xế điều khiển phương tiện từ ô tô đến mô tô trong nhiều giờ tại vị trí cố định và lưu động nhưng chỉ phát hiện khoảng chục trường hợp điều khiển xe mô tô vi phạm về nồng độ cồn.

Anh Lê Anh Hòa trú thị xã An Nhơn được lực lượng CSGT ra hiệu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn tại chốt kiểm tra cố định ở Trạm BOT Bình Định chia sẻ: “Là chủ của một doanh nghiệp, dịp Tết đến tôi cũng phải đi giao lưu, tiếp khách rất nhiều. Tuy nhiên, lúc nào cần phải sử dụng rượu, bia là tuyệt đối tôi không điều khiển xe”.
         
Không chỉ cá nhân tự thay đổi mà nhiều quán nhậu, nhà hàng cũng đã có những biện pháp hỗ trợ thực khách lựa chọn phương án an toàn như liên kết với các hãng taxi, ứng dụng gọi xe hoặc giúp giữ xe qua đêm để khách hàng về nhà an toàn. Anh Phạm Trí Tín, chủ một quán nhậu tại thành phố Quy Nhơn cho biết cũng thường xuyên đặt xe giúp khách, giữ xe giúp cho khách và thậm chí đưa khách về sau khi đã sử dụng dịch vụ tại quán.

Tương tự anh Lê Tuấn Minh trú phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn là tài xế xe taxi cho biết: “Trước đây, khách đặt xe thông qua quán sau các cuộc nhậu thường là những người uống quá nhiều không thể chạy xe. Nhưng bây giờ, tôi và đồng nghiệp thường xuyên nhận những khách chỉ đi vài km taxi thay vì tự điều khiển xe về và họ thường đi theo nhóm sau các bữa tiệc. Đặc biệt, Tết năm nay, tôi và đồng nghiệp còn nhận những cuốc xe chở khách đi đường dài về các huyện như Phù Mỹ, Phù Cát để chúc Tết người thân”.

Taxi, xe công nghệ đều đậu sẵn tại các khu vực nhà hàng, quán karaoke để nhanh chóng đón thực khách

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), lực lượng CSGT toàn tỉnh cũng đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị triển khai chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện theo phương châm “Không vùng cấm, không ngoại lệ, không ngày nghỉ”, qua đó số lượng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt là người điều khiển ô tô đã giảm rất nhiều.

Theo phòng CSGT, trong năm 2024, số vụ vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2023 và trong 09 ngày nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vừa qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện, xử lý 221 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, giảm 395 trường hợp so với cùng kỳ.

Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Vang, Phó Trưởng phòng CSGT: Hiện nay, người dân hay cán bộ, công chức, viên chức đã uống rượu, bia thường không tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà đi xe taxi hoặc có người chở. Một phần do bị phạt nặng, nhất là cán bộ, công chức, viên chức nếu vi phạm sẽ bị thông báo về nơi cư trú, cơ quan để có hình thức xử lý về mặt chính quyền, đảng; phần do lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường, bất kể ngày đêm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không có vùng cấm nên ý thức người tham gia giao thông đã tăng lên đáng kể. Chúng tôi duy trì kiểm tra nồng độ cồn trên nhiều tuyến đường, từ Quốc lộ đến đường bê tông nông thôn và nội thị. Nhiều trường hợp bị kiểm tra đã chấp hành nghiêm chỉnh, không có tình trạng chống đối hay xin xỏ như trước. Điều này cho thấy ý thức của người dân đã thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp cố tình vi phạm, do đó lực lượng CSGT toàn tỉnh vẫn sẽ tiếp tục công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn để răn đe và tạo lập thói quen cho mọi người trên tất cả các tuyến đường.
         
Có thể thấy, sự thay đổi trong nhận thức của người dân cùng với sự kiểm soát chặt chẽ từ lực lượng chức năng đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng vi phạm Luật TTATGT đường bộ nói chung và nồng độ cồn nói riêng, nhờ đó tình hình TTATGT dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn tỉnh trở nên an toàn hơn. Số vụ TNGT giảm, số người vi phạm giảm và người dân an tâm vui Xuân, đón Tết, góp phần tạo nên một mùa Tết bình yên, trọn vẹn với khẩu hiệu “Đã uống rượu bia - không lái xe”.


Tác giả: Minh Ngọc
Nguồn:congan.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật