Công dân phải thực hiện thủ tục cấp, đổi thẻ Căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
Thời gian qua, nhiều trường hợp công dân không để ý thời hạn thẻ Căn cước, đến lúc cần thực hiện các giao dịch hành chính như chuyển khoản ngân hàng, thanh toán chế độ bảo hiểm, khi nhập viện, khám chữa bệnh… thì phát hiện thẻ Căn cước hết hạn, gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện giao dịch hành chính.
Theo Luật Căn cước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trong đó quy định về giá trị sử dụng của thẻ Căn cước, người được cấp thẻ Căn cước.
Theo đó, Luật quy định thẻ Căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ Căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
Thẻ Căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người được cấp thẻ Căn cước phải xuất trình thẻ Căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ Căn cước xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ Căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ Căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.
Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ Căn cước theo quy định của pháp luật. Tại Điều 21 Luật Căn cước quy định độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước:
“1. Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ Căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
2. Thẻ Căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước quy định tại khoản 1 Điều 21 có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ Căn cước tiếp theo”.
Theo quy định trên, hạn sử dụng của thẻ Căn cước sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của người được cấp. Có bốn mốc thời gian hết hạn của thẻ Căn cước là 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Trong 02 năm trước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi, nếu người dân đi làm lại thẻ Căn cước thì thẻ này sẽ có giá trị tiếp đến mốc tuổi đổi thẻ tiếp theo. Như vậy:
- Thẻ Căn cước được cấp từ khi sinh ra đến khi đủ 12 tuổi sẽ hết hạn vào năm đủ 14 tuổi.
- Thẻ Căn cước được cấp từ khi đủ 12 tuổi đến 23 tuổi sẽ hết hạn vào năm 25 tuổi.
- Thẻ Căn cước được cấp từ khi đủ 23 tuổi đến 38 tuổi sẽ hết hạn vào năm 40 tuổi.
- Thẻ Căn cước được cấp từ khi đủ 38 tuổi đến 58 tuổi sẽ hết hạn vào năm 60 tuổi.
- Thẻ Căn cước từ khi đủ 58 tuổi trở đi sẽ được sử dụng cho đến khi người đó chết (trừ trường hợp thẻ bị mất hoặc hư hỏng).
Tại Điều 46 Luật Căn cước quy định chuyển tiếp: Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ; thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 chỉ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Theo quy định, khi công dân đã có dữ liệu, số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể trực tiếp đến bất kỳ cơ quan Công an có thẩm quyền để thực hiện cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước, không cần về nơi đăng ký thường trú của mình để thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước.