Giúp đúng việc dân cần, dân mong
Thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hậu cần đã phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức, lực lượng, chủ động, tích cực triển khai hiệu quả công tác dân vận với tinh thần giúp đúng việc dân cần, dân mong.
Ân tình quê hương cách mạng
Biết tin ông Vũ Tiến Quý ở xã Ôn Lương (Phú Lương, Thái Nguyên) được Học viện Hậu cần hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà mới, bà con lối xóm ai cũng mừng vui cho gia đình. Năm 1980, đang là công nhân Nhà máy Dệt Vĩnh Phú (nay là Công ty Cổ phần Dệt Vĩnh Phú), ông Quý tình nguyện nhập ngũ, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Năm 1988, ông trở về địa phương với nhiều vết thương trên cơ thể. Dù chăm chỉ lao động nhưng cuộc sống vẫn chỉ đủ ăn, không có điều kiện để tu sửa căn nhà đã xuống cấp trầm trọng.
Chung niềm vui như ông Vũ Tiến Quý là thương binh Nguyễn Văn Đức, xã Ôn Lương, người dân tộc Tày, bị thương trong chiến đấu chống Mỹ tại mặt trận phía Nam. Giờ đây, những mảnh đạn vẫn còn nằm lại trên cơ thể người cựu chiến binh. Với 6 sào ruộng và khoản tiền trợ cấp thương tật không đủ giúp ông trang trải sinh hoạt và những lần đi viện khi trái gió trở trời. Gia đình ông Đức lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bởi vậy, có căn nhà mới khang trang thực sự là ước mơ của gia đình bấy lâu.
Lãnh đạo Học viện Hậu cần trao quà tặng người dân xã Yên Đổ (Phú Lương, Thái Nguyên).
Trên đây là hai trong số nhiều gia đình được Học viện Hậu cần trao kinh phí hỗ trợ xây dựng “Nhà tình nghĩa”. Nhằm tri ân quê hương cách mạng, hằng năm, Học viện tổ chức hành quân về nguồn tại xã Yên Đổ (Phú Lương) tổ chức trao quà, thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Năm nay, Học viện Hậu cần phối hợp với UBND xã Yên Đổ tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo trên địa bàn. Các y sĩ, bác sĩ của Học viện và Trạm y tế xã Yên Đổ đã tổ chức khám các chuyên khoa: Tai, mũi, họng; cận lâm sàng: Điện tim, siêu âm ổ bụng, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc cho các đối tượng chính sách; để lại dấu ấn sâu đậm, tình cảm trong lòng nhân dân. Cũng trong chuyến công tác này, Học viện tổ chức khánh thành bàn giao “Nhà tình nghĩa” tặng ông Vương Văn Hợp, xóm Khe Nác, xã Yên Đổ.
Cách đây 73 năm, thực hiện Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, ngày 15-5-1951, Tổng cục Cung cấp tổ chức Lớp Huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên tại xóm Hạ, bản Khuôn Lồng, xã Yên Đổ-tiền thân của Học viện Hậu cần ngày nay. Trung tướng Dương Đức Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Hậu cần cho biết: "Lịch sử truyền thống của Học viện gắn liền với địa danh Khuôn Lồng, Yên Đổ-mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, địa danh cách mạng, an toàn khu trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong muôn vàn khó khăn, gian khổ, chính quyền địa phương cùng nhân dân đã luôn dành mọi tình cảm yêu thương, đùm bọc, che chở cho cán bộ, học viên nhà trường. Những tình cảm quý báu đó luôn in đậm, khắc ghi trong tâm khảm các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Hậu cần hôm nay và mai sau".
Đến với nhân dân bằng trách nhiệm và tình cảm
Với phương châm chủ động đến với dân, gần dân, hiểu dân, giúp đỡ nhân dân bằng trách nhiệm và tình cảm, trong điều kiện của đơn vị, thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hậu cần luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt. Phát huy sức mạnh tổng hợp, Học viện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương trên địa bàn đóng quân làm tốt công tác dân vận, giúp dân, lồng ghép vào các hoạt động hành quân dã ngoại, gặp mặt truyền thống... Cơ quan Chính trị phát huy tốt chức năng tham mưu chỉ đạo bộ phận làm công tác dân vận thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Thường xuyên bồi dưỡng về phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Nhờ đó, công tác dân vận giúp dân ngày càng sát thực, hiệu quả, giúp đúng việc dân cần, làm đúng việc dân mong.
Lãnh đạo Học viện Hậu cần động viên nhân dân xã Yên Đổ (Phú Lương, Thái Nguyên).
Minh chứng là trong 6 tháng đầu năm 2024, Học viện đã triển khai xây dựng, sửa chữa 2 “Nhà đồng đội”; 3 “Ngôi nhà 100 đồng”; thẩm định phối hợp chuyển kinh phí 5 “Nhà đại đoàn kết” cho các đối tượng theo quy định. Học viện làm tốt công tác giáo dục truyền thống; tổ chức 2 đoàn hành quân về nguồn kết hợp tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh quân sự, làm công tác chính sách, dân vận tại tỉnh Điện Biên và Quảng Trị. Học viện đã hỗ trợ kinh phí xây 1 “Nhà tình nghĩa” (trị giá 80 triệu đồng); trao hơn 100 suất quà tặng gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó tại tỉnh: Quảng Trị, Điện Biên. Đặc biệt, với thông điệp: “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, Học viện đã phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm tốt công tác tuyên truyền, vận động được hơn đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ hiến máu tình nguyện, số máu thu được là gần 500 đơn vị máu.
Đại tá Nguyễn Văn Giới, Phó chủ nhiệm Chính trị Học viện Hậu cần khẳng định, hoạt động công tác dân vận và tuyên truyền đặc biệt của Học viện đã đạt kết quả thiết thực, góp phần nâng cao kết quả giáo dục, đào tạo; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường đoàn kết quân dân.