A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm gắn với thực hiện các chương trình phát triển KT-XH ở địa phương là yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024, diễn ra chiều 24.1.

Nắm rõ tình hình, triển khai cụ thể

Theo thông tin tại hội nghị, năm 2023, công tác quản lý nhà nước về ANTT được tăng cường. Công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đạt nhiều kết quả tích cực, với nhiều hình thức phong phú, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm (PCTP), góp phần giải quyết tốt tình hình ANTT ngay từ cơ sở, hạn chế các điều kiện phát sinh tội phạm.

Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 883 vụ phạm pháp hình sự, giảm 103 vụ so với cùng kỳ 2022; trong đó đã điều tra, khám phá 70,6% số vụ. Đáng chú ý, các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đã điều tra, khám phá đạt 94,4% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao).

Để có được những kết quả này, các đơn vị, địa phương đã đánh giá đúng tình hình, đề ra các giải pháp cụ thể trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Ở huyện Tuy Phước, tội phạm liên quan đến thanh thiếu niên (TTN) ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ phạm tội không đơn thuần mang tính bộc phát giản đơn mà có sự cấu kết chặt chẽ, manh động, tinh vi trong thực hiện hành vi phạm tội và che giấu tội phạm. Thượng tá Nguyễn Văn Đây, Trưởng CA huyện Tuy Phước cho biết, trước tình hình đó, CA huyện đã chú trọng lập danh sách TTN cá biệt, chậm tiến; phân công trách nhiệm kèm cặp, cảm hóa giáo dục cụ thể từng cá nhân cho các ban, ngành, đoàn thể. Làm việc trực tiếp với các trường THCS, THPT trên địa bàn, có hình thức phối hợp giữa CA xã với nhà trường, gia đình để giáo dục, răn đe số học sinh cá biệt có nguy cơ vi phạm pháp luật và số học sinh bỏ học. Chú trọng nắm tình hình, kịp thời kiểm soát diễn biến hoạt động của các đối tượng tại cơ sở, nhất là TTN hư, côn đồ, càn quấy.

Lực lượng CA đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, bám cơ sở để kịp thời nắm bắt, có biện pháp đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.

- Trong ảnh: CA thống kê số vũ khí thu giữ được của các đối tượng đánh nhau tại địa bàn huyện Phù Mỹ. Ảnh: MINH NGỌC

Là trung tâm KT-XH của tỉnh, hoạt động tội phạm trên địa bàn TP Quy Nhơn mang tính phức tạp riêng, trong đó có tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Trong năm 2023, CA TP Quy Nhơn đã khởi tố 6 vụ/14 bị can phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và 9 vụ/16 bị can phạm tội liên quan đến đòi nợ; không khởi tố, chuyển xử phạt vi phạm hành chính 8 vụ/10 đối tượng… Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội nhằm đẩy lùi, ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”. Trong đó, tăng cường đổi mới phương thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội Zalo, các cuộc thi tìm hiểu, phát tờ rơi tại nhà để người dân biết được cách thức vay tài sản, thu hồi nợ, hậu quả của “tín dụng đen” và kết quả đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng, giúp người dân nâng cao nhận thức. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý cư trú, đặc biệt chú ý các chung cư, căn hộ, nhà trọ, khách sạn cho thuê thường xuyên tập trung các đối tượng ngoại tỉnh hoạt động “tín dụng đen”.

Phòng ngừa là trọng tâm

Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong công tác PCTP và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó, công tác dự báo có lúc chưa kịp thời, chưa theo kịp diễn biến tình hình tội phạm. Công tác quản lý cư trú, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT có lúc, có nơi chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng các đối tượng lợi dụng để ẩn náu, hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật, đặc biệt là mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn diễn biến phức tạp.

Công tác phối hợp nắm tình hình, trao đổi thông tin, tham mưu thực hiện nhiệm vụ PCTP giữa một số đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự đi vào chiều sâu. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt; công tác kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các chủ trương, mệnh lệnh chưa sâu sát, kịp thời; chưa phát huy tính chủ động, hiệu quả trong công tác PCTP.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh cho rằng, để tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển KT-XH địa phương, cần lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm. PCTP là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó CA là lực lượng nòng cốt.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: K.A

“Cần giảm tất cả loại tội phạm, phải có kế hoạch triển khai công tác PCTP cụ thể theo từng ngành, địa phương. Trước mắt, trong quý I/2024, Ban Chỉ đạo 138 các cấp, ngành phải phân loại tội phạm, xác định nguồn gốc, đưa ra các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa cụ thể”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Cùng với đó, tiếp tục chú trọng  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, biện pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ sát thực tế, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong PCTP, tệ nạn xã hội. Tiếp tục kiện toàn lực lượng CA xã, lực lượng ở cơ sở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả mâu thuẫn, hành vi vi phạm pháp luật từ cơ sở. Tiếp tục thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, trật tự ATXH, tạo chuyển biến tích cực. Đặc biệt, chủ động nắm tình hình, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo ANTT trên địa bàn, tội phạm trên không gian mạng. Chủ động, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo từng chuyên đề cụ thể; tập trung đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm băng nhóm, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án…           


Tác giả: Kiều Anh
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật